Nhiều địa phương đang mở rộng và thành lập các khu công nghiệp (KCN) nhằm đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, cái mà “đại bàng” cần không chỉ là một “cái ổ”.
Không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như Foxconn, Apple, Panasonic hay Intel, đã chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy và chuyển một phần dây truyền sản xuất, lắp ráp sản phẩm từ Trung Quốc, Thái Lan. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ bởi nguồi nhân lực giá rẻ, mà còn bởi môi trường đầu tư đang ngày càng được cải thiện.
Nhận định bộ máy quản lý nhà nước liên quan đến FDI đã có những thay đổi tích cực nhưng GS Nguyễn Mại cho rằng chưa đáp ứng được đòi hỏi của chính phủ số. Bởi lẽ, có quá nhiều đầu mối để giải quyết một công việc, nhà đầu tư mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục hành chính về cấp đất, xây dựng, thuế, hải quan.
Trong khi, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc các khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng), cho rằng việc phát triển theo mô hình KCN sinh thái không còn mang tính chất khuyến khích mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các công ty phát triển hạ tầng, nếu họ muốn thu hút nguồn vốn đầu tư có chất lượng, và có thương hiệu tốt.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện vẫn chưa có KCN nào đạt tiêu chí mô hình KCN sinh thái mà chỉ có một vài KCN đang trong giai đoạn xây dựng theo tiêu chí này. Các chuyên gia của Savills cũng lưu ý để thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển KCN, hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ: KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN liên kết, mô hình dịch vụ KCN và đô thị kết hợp.
Ở Việt Nam hiện chỉ có một vài KCN đang trong giai đoạn xây dựng theo tiêu chí KCN sinh thái
"Bộ máy quản lý khu kinh tế, KCN tại các địa phương cần tinh giản và được trang bị công nghệ thông tin hiện đại, kết nối với trung tâm thông tin FDI quốc gia và các DN FDI", mà các địa phương cũng như những nhà phát triển hạ tầng KCN cần phải quan tâm nhiều vấn đề khác nữa.
Đơn cử như việc đồng bộ giữa nơi sản xuất với nơi ở, nơi vui chơi giải trí của các chuyên gia và người lao động cần phải được các nhà phát triển hạ tầng KCN quan tâm đầu tư. Bởi phần lớn các KCN hiện nay chỉ mới đáp ứng được nhu cầu về nơi sản xuất. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ nhằm cung ứng cho các “đại bàng” cũng chưa được nhiều chủ đầu tư KCN chú trọng thực hiện.
Một vấn đề khác nếu muốn thu hút được các dự án đầu tư có thương hiệu, chất lượng cao, thì phải phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái và đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững của nhà đầu tư.
Ngoài ra, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện nay cũng đang được đánh giá là yếu và không đáp ứng được yêu cầu cho việc chuyển giao công nghệ. “Phần lớn doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đều có quy mô nhỏ, khả năng cung ứng hàng loạt thấp, việc kiểm soát chi phí sản xuất chưa cao. Do đó, cần phải ưu tiên phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tăng khả năng cung ứng nội địa” - Một lãnh đạo của Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM cho biết.
Nguồn: enternews