Tin tức

Tin tức

Bất động sản công nghiệp đón dự án giá trị gia tăng cao

Bất động sản công nghiệp đón dự án giá trị gia tăng cao

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang dịch chuyển để đón các dự án mang lại nhiều giá trị gia tăng.

Cuối tháng 8/2021, Tập đoàn LG tăng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD cho tổ hợp dự án tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) để nâng sản lượng màn hình OLED nhựa từ 9,6 - 10,1 triệu sản phẩm/tháng lên 13 - 14 triệu sản phẩm/tháng. Từ mức vốn đầu tư ban đầu 1,5 tỷ USD (năm 2016), sau 7 lần điều chỉnh với 4 lần tăng vốn, riêng năm 2021 tăng vốn 2 lần, đến nay, dự án này có tổng vốn đầu tư 4,65 tỷ USD, là dự án FDI lớn nhất tại Hải Phòng.

Với việc LG tăng vốn cho tổ hợp dự án tại Hải Phòng, Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản và vươn lên vị trí thứ hai trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 9 tháng qua. Nỗ lực của các nhà đầu tư Hàn Quốc đúng như những gì mà ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) từng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đó là các nhà đầu tư Hàn Quốc xác định “sống chung” với dịch, cam kết đầu tư lâu dài và luôn tìm hiểu cơ hội mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Những dự án giá trị gia tăng cao là “khẩu vị” của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Đại diện Korcham cho biết, ngoài “gã khổng lồ” LG, nhiều nhà sản xuất khác của quốc gia này có nhu cầu thực về đất khu công nghiệp để xây dựng nhà máy công nghệ cao.

Trên thực tế, đã có một số công ty điện tử của Hàn Quốc mua lại đất và nhà xưởng sản xuất của các công ty dệt may hoạt động không hiệu quả hay ngừng hoạt động và triển khai dự án rất thành công.

“Cùng trên mảnh đất đó, trước kia, các công ty may mặc chỉ tạo ra doanh số 5 - 10 triệu USD/năm, nhưng sau khi chuyển giao cho các công ty điện tử Hàn Quốc, thì doanh số tạo ra là hàng trăm triệu USD”, ông Hong Sun nhấn mạnh.

Cơ hội mới cho bất động sản công nghiệp

Nếu như giai đoạn trước, Việt Nam thu hút một tỷ lệ đáng kể các dự án sản xuất mặt hàng giá trị thấp, thì nay, với định hướng mới về thu hút đầu tư nước ngoài, thị trường đang tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giá trị cao hoặc các loại hình bất động sản công nghiệp mới, bao gồm các ngành sản xuất thiết bị công nghệ cao, các cơ sở nghiên cứu, trung tâm dữ liệu hay kho lạnh công nghiệp…

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận Bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam đánh giá, việc chuyển đổi sang thu hút các lĩnh vực sản xuất có giá trị cao sẽ mang lại nhiều cơ hội và tương lai tích cực hơn cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Một diễn biến thuận tự nhiên là khi các chi phí thuê bất động sản nhà xưởng/kho bãi tăng cao, thì số lượng doanh nghiệp trong các ngành sản xuất có tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ giảm xuống.

“Những công xưởng sản xuất da giày và thời trang lớn với quy mô 10.000 lao động sẽ dần dịch chuyển đến những nơi xa hơn, chi phí thấp hơn, thậm chí có thể là các nước lân cận. Các nhà phát triển bất động sản ở Việt Nam đang tập trung nhiều hơn vào việc thu hút các nhà sản xuất giá trị cao, đơn cử như lĩnh vực linh kiện điện tử hoặc ô tô từ châu Âu và Mỹ”, ông John Campbell lưu ý.

Trong 10 - 20 năm trở lại đây, các khu công nghiệp tại miền Bắc đã đón nhận sóng đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn lớn như LG, Samsung (Hàn Quốc), Honda (Nhật Bản) và gần đây là Dự án VinFast của Vingroup. Sự hiện hiện của những tên tuổi có thương hiệu đã tạo đòn bẩy cho sự phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp lân cận, bởi các nhà cung cấp phụ tùng và nguyên liệu thường có nhu cầu thuê nhà xưởng diện tích khoảng 1.000 - 2.000 m2 gần các nhà sản xuất lớn.

Xu hướng thu hút đầu tư này cũng thuận chiều với những cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Ông John Campbell cho rằng, Việt Nam có thể cần nhiều thời gian để tận dụng triệt để lợi ích của EVFTA, để lợi ích về chuyển giao công nghệ cũng như kiến thức trở nên rõ nét. Chuyển giao công nghệ sẽ mang tới sự thay đổi về mặt quy trình, thiết bị cũng như máy móc chuyên dụng. Đồng thời, việc chuyển giao kiến thức sẽ có tác động tích cực trong việc phát triển kỹ năng của lao động Việt Nam. Khi số lượng lao động có tay nghề cao và công nghệ phát triển, thị trường Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất thuộc nhóm ngành giá trị cao.

Ngoài ra, thị trường bất động sản công nghiệp cũng đang đứng trước cơ hội nâng tầm để đáp ứng nhu cầu về trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp nước ngoài.

“Nhu cầu trung tâm dữ liệu ngày càng lớn tại Việt Nam, nhất là kế bên đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Doanh nghiệp cần chọn vị trí đặt trung tâm dữ liệu có nguồn điện ổn định, cấu trúc kỹ thuật rõ ràng, có hệ thống và khả năng bảo vệ trước các tác động bên ngoài. Kết nối cũng là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo tất cả hệ thống liên quan đến cung cấp dịch vụ không bị tác động, gián đoạn bởi các yếu tố vật lý, thời tiết”, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết.

Ông Matthew Powell dự báo, trong vài năm tới, thị trường Việt Nam sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc bất động sản này, bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm mặt bằng phục vụ việc xây dựng và phát triển trung tâm dữ liệu.

Ông Vũ Thanh Dương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (chủ đầu tư Khu công nghiệp Tràng Duệ - Hải Phòng) cho biết, tiềm năng thu hút các nhà đầu tư vào vào Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn III (tổng diện tích 687 ha) là rất lớn, nhất là sau thành công ở giai đoạn I và giai đoạn II.

Hiện nay, hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài như Heesung Electronics, Inabata, Kaidi, Sankyo… đều mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư dự án tại Hải Phòng, đặc biệt là tại Khu công nghiệp Tràng Duệ giai đoạn III.

Nguồn: baodautu

Chia sẻ nội dung:
0868255888