Sau 2 quý đóng băng vì Covid-19, thị trường bất động sản công nghiệp đang “hửng nắng” với liên tiếp dự án đầu tư mới và mở rộng.
Nhộn nhịp
Hòa Bình là địa phương xưa nay ít có dự án bất động sản, nhưng mới đây đã xuất hiện một dự án khủng là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Nhuận Trạch, với tổng diện tích sau khi được bổ sung là hơn 213 ha tại 2 xã Nhuận Trạch và Cư Yên (huyện Lương Sơn), tổng vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng, do Công ty TNHH Hòa Phú - Hòa Bình làm chủ đầu tư.
Một tháng trước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Thăng mở rộng (tỉnh Quảng Nam). Quy mô dự án KCN Tam Thăng mở rộng lên tới 248,9 ha, tổng vốn đầu tư trên 768 tỷ đồng, nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai.
Hay như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI), là công ty con của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, đang triển khai mở rộng đầu tư các dự án KCN tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) với tổng diện tích 2.000 ha.
Nguồn cung mới bất động sản công nghiệp dự báo sẽ tăng lên đáng kể trong năm nay. Trong đó, 2 trung tâm lớn là TP.HCM thêm 5 KCN mới tham gia vào thị trường, Hà Nội thêm 6 KCN.
Phát Đạt đã được UBND tỉnh Đồng Tháp chính thức chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư. Theo đó, công ty này sẽ tiến hành nghiên cứu 3 dự án KCN tại huyện Cao Lãnh, gồm: KCN Cao Lãnh, KCN Cao Lãnh II và KCN Cao Lãnh III, tổng mức đầu tư cho cả 3 dự án là hơn 14.720 tỷ đồng với các phân kỳ: giai đoạn I (2021 - 2025), phát triển quy mô 1.000 ha; giai đoạn II (2026 - 2030, phát triển quy mô từ 1.000 ha trở lên.
Ngoài ra, Phát Đạt đang định hướng phát triển những cụm công nghiệp đô thị dịch vụ có quy mô 1.000 - 6.000 ha tại các địa phương đã có sẵn hạ tầng và lợi thế như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp…
Sau thời gian “đóng băng” trong quý III và quý IV/2021 vì Covid-19, nguồn cung mới của bất động sản công nghiệp dự báo sẽ tăng lên đáng kể trong năm nay. TP.HCM đã không ghi nhận thêm dự án bất động sản khu công nghiệp mới nào trong quý IV/2021 sau những gián đoạn thi công xây dựng do dịch bệnh. Nhưng năm nay, TP.HCM dự kiến có thêm 5 KCN mới tham gia vào thị trường, cung cấp hơn 4.200 ha vào quỹ đất công nghiệp. Trong đó, 4 KCN tọa lạc tại huyện Bình Chánh, bao gồm: KCN Lê Minh Xuân giai đoạn II (319 ha), KCN Lê Minh Xuân mở rộng (110 ha), KCN Vĩnh Lộc I giai đoạn III (200 ha) và KCN Phong Phú (148 ha).
Tương tự, nguồn cung mới của thị trường bất động sản công nghiệp Hà Nội cũng được dồn sang năm 2022 và 2023, tiêu biểu như KCN Quang Minh II (266 ha), KCN Thanh Mỹ - Xuân Sơn (108 ha), KCN Sóc Sơn (306 ha), KCN Sóc Sơn II (204 ha), KCN HANSSIP giai đoạn II (300 ha) và KCN Phùng Xá (84 ha).
Tiếp tục hấp dẫn vốn ngoại
SLP là nhà đầu tư nước ngoài gây chú ý trong thời gian gần đây với việc khởi công xây dựng dự án bất động sản công nghiệp SLP Park Xuyên Á (giai đoạn I) tại tỉnh Long An. Đây là dự án thứ 2 của SLP tại Long An và là dự án thứ 3 tại Việt Nam. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến hoàn thành vào quý I/2023, với tổng diện tích nhà kho cho thuê khoảng 84.000 m2.
Ông Jenkin Chiang, Giám đốc điều hành, kiêm nhà đồng sáng lập SLP chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi thị trường, thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại điện tử và làm tăng nhu cầu cả ngắn hạn lẫn dài hạn đối với bất động sản công nghiệp. Trong những năm gần đây, nhu cầu về nhà kho xây sẵn cũng gia tăng đáng kể. Với các dự án của chúng tôi, trong đó có SLP Park Xuyên Á, chúng tôi dự định sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu kho vận ngày càng đa dạng của khách hàng, nắm bắt lợi thế trong giai đoạn đầu của sự phát triển và hiện đại hóa lĩnh vực logistics Việt Nam”.
Trước đó, SLP bắt tay với đối tác chiến lược GLP để công bố việc thành lập quỹ GLP Vietnam Development Partners I, với năng lực đầu tư 1,1 tỷ USD. Đây được xem là một trong những quỹ phát triển logistics lớn nhất ở Đông Nam Á.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện SLP cho biết, tính đến nay, SLP đã phát triển 6 dự án tại Việt Nam với tổng diện tích đất khoảng 860.000 m2, chủ yếu tập trung vào 2 thị trường lớn nhất là khu vực Hà Nội và khu vực TP.HCM. “Công ty dự kiến phát triển quỹ đất lên tới 1-1,5 triệu m2 tổng diện tích sàn (GFA) tại Việt Nam trong những năm sắp tới”, đại diện SLP nhấn mạnh.
Colliers Việt Nam dự báo, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai cũng sẽ là tâm điểm bất động sản công nghiệp năm 2022 nhờ lợi thế kết nối hạ tầng giao thông và kinh tế phát triển mạnh. Đặc biệt, Bình Dương đang là điểm nóng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản công nghiệp với sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, FLC, Becamex, HUD.
Ở miền Trung, Đà Nẵng nổi lên là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp. Cụ thể, Công ty Arevo Inc. (Mỹ) đang triển khai nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy sản xuất máy in 3D, với tổng vốn đầu tư 135 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Đà Nẵng cũng đã thu hút được dự án nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le (Mỹ) với vốn đầu tư 110 triệu USD; dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản) với vốn đầu tư 35 triệu USD và Dự án EPE Packaging Việt Nam (Nhật Bản) với vốn đầu tư 300.000 USD.
Nguồn: baodautu