Ông Terence Alford - Giám đốc Phòng Thị trường vốn và dịch vụ đầu tư (Colliers International), cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam có khả năng đón nhận nhiều nhu cầu hơn từ các công ty Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản mới đây đã đồng ý tài trợ chi phí để các công ty của nước này chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Một số công ty sẽ chuyển nhà máy về Nhật Bản, trong khi nhiều công ty khác lại muốn đặt trụ sở tại Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam.
57 công ty Nhật Bản sẽ nhận được tổng cộng 57,4 tỷ yên (536 triệu USD) trợ cấp từ Chính phủ và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. Hơn 30 công ty sẽ nhận được chi phí hỗ trợ để chuyển hoạt động kinh doanh sản xuất của họ sang Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác.
Bình luận về sự kiện này, ông Terence Alford cho rằng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam có khả năng hưởng lợi từ “làn sóng Nhật Bản”.
Báo cáo của Colliers International cho biết, tại Hà Nội, tính đến cuối tháng 6, giá thuê bất động sản công nghiệp trung bình đạt 151 USD/m2/kỳ, tăng 9% so với quý trước. Giá cho thuê trung bình tiếp tục tăng do nhu cầu vẫn tăng trong khi nguồn cung không đổi. Bắc Từ Liêm và Long Biên là 2 khu vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài vì hầu hết các khu công nghiệp nằm ở đây.
Hà Nội có 10 khu công nghiệp đang hoạt động (cung cấp 2.000 ha). Con số này dự kiến sẽ tăng lên 3.500 ha trong thời gian tới. Chương Mỹ, Thạch Thất và Đông Anh là những khu vực có các khu công nghiệp chiếm tới 68% tổng diện tích. 5 trong số 11 khu công nghiệp mới dự kiến sẽ được mở vào cuối năm 2021.
Đối với các cụm công nghiệp, hiện Hà Nội đang có 70 cụm (tổng diện tích 1.337 ha) với 3.100 nhà máy. 9 cụm mới dự kiến sẽ gia nhập thị trường vào quý I năm 2020 nhưng tiếp tục phải hoãn lại do tác động của Covid-19.
Tại TP. HCM, đến cuối tháng 6, giá cho thuê trung bình đối với đất công nghiệp tăng lên 162 USD/m2/kỳ, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Về nhà xưởng, giá cho thuê cũng tăng khoảng 5 USD/m2/kỳ.
Tỷ lệ lấp đầy đạt được 85% nhờ những lợi thế của thành phố lớn nhất cũng như trung tâm kinh doanh của cả nước thu hút nhiều khoản đầu tư từ các công ty trong nước và quốc tế
TP. HCM hiện có 18 khu công nghiệp, cung cấp gần 3.700 ha đất công nghiệp cho thuê. Nguồn cung bất động sản công nghiệp của thành phố không tăng trong quý II/2020. Với các dự án đang đề xuất, đáng chú ý là khu công nghiệp Bình Chánh (cung cấp hơn 380 ha cho thị trường). Tháng 5 năm 2019, thành phố đã yêu cầu chính phủ phê duyệt dự án này. Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa được phê duyệt.
Với các dự án khu công nghiệp mới đang chờ xử lý, bao gồm giai đoạn 3 của khu công nghiệp Hiệp Phước và việc mở rộng khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, thị trường công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát triển.
Theo Colliers International, ngày hoàn thành của các dự án này lẽ ra thuộc quý I/2020 nhưng do sự bùng phát của đại dịch, các dự án này vẫn đang được tiến hành và chưa có ngày phát hành chính thức.