Tin tức

Tin tức

Cam Lâm chuyển mình

Cam Lâm chuyển mình
Những năm gần đây, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) có tốc độ phát triển vượt bậc. Công nghiệp, du lịch là những ngành mũi nhọn đang làm thay đổi cơ cấu và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Công nghiệp vươn xa

Cách đây 13 năm, khi huyện Cam Lâm mới thành lập, đi đến đâu cũng chỉ thấy bạt ngàn xoài và những vùng đất khô cằn. Thời điểm ấy, ngoài Khu Công nghiệp (KCN) Suối Dầu với tỷ lệ lấp đầy chưa tới 70%, kinh tế địa phương chủ yếu là nông nghiệp. Vậy nhưng, chỉ từ năm 2015 đến năm 2020, lĩnh vực công nghiệp của huyện đã có sự vươn mình mạnh mẽ. KCN Suối Dầu với diện tích 136,7ha đến nay đã được lấp đầy và đang có nhu cầu mở rộng. KCN có 52 dự án đăng ký đầu tư và có 40 dự án đi vào hoạt động, gồm các ngành nghề: Chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến đồ gỗ, nội thất xuất khẩu, dệt may, cơ khí... Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp đạt 189 triệu USD, tổng vốn thực hiện đạt 98 triệu USD, giải quyết việc làm cho 12.000 lao động.

Mövenpick Resort Cam Ranh

Bên cạnh đó, các cụm công nghiệp (CCN) Trảng É 1, Trảng É 2, Trảng É 3 với diện tích 152ha đã triển khai xây dựng hạ tầng. Trong đó, CCN Trảng É 1 đã hoàn thiện hạ tầng, các nhà đầu tư thứ cấp đang tiến hành xây dựng nhà máy để vào hoạt động. Khi các CCN này hoàn tất thu hút đầu tư sẽ góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm rất lớn cho địa phương. Đặc biệt, với sự hiện diện của các nhà máy sản xuất thuốc lá của Tổng Công ty Khánh Việt, các CCN ở đây sẽ là điểm nhấn trong “bức tranh” kinh tế Cam Lâm.

Công nghiệp Cam Lâm còn được biết đến với hàng loạt dự án năng lượng tái tạo. Các vùng đất khô cằn, sản xuất không hiệu quả nhường chỗ cho những dự án điện mặt trời. Đến đầu năm 2020, toàn huyện có 5 dự án điện mặt trời, với tổng mức đầu tư 5.530 tỷ đồng. Hiện nay, 3 dự án đã đi vào hoạt động, góp phần cung cấp thêm năng lượng điện cho mạng lưới điện quốc gia nói chung, huyện Cam Lâm nói riêng. Các dự án này đã góp phần tích cực giải quyết lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

Du lịch cất cánh


Với thềm lục địa rộng lớn, có bãi cát dài và mịn ven biển, quang cảnh thiên nhiên huyện Cam Lâm đẹp như bức tranh sơn thủy, thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển đảo và nghỉ dưỡng. Sau Nha Trang, du lịch Cam Lâm đang là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Mấy năm gần đây, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh đã mọc lên hàng loạt khách sạn, resort đẳng cấp 5 sao. Khu vực này đã có 41 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 29.341 tỷ đồng. Trong đó, 10 dự án chính thức đi vào hoạt động; 25 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, 6 dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Radisson Blu Resort Cam Ranh

Triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch, huyện từng bước huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng và các loại hình du lịch, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch theo hướng sử dụng lực lượng lao động địa phương. Cùng với 10 khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, các điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện đang từng bước hình thành và phát triển. Hiện nay, mỗi năm, Cam Lâm thu hút hơn 1 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 20 lần so với năm 2015; số lượng khách lưu trú đạt gần 670.000 lượt (trong đó khách quốc tế hơn 360.000 lượt). Du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động địa phương, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Bà Mai Thị Thu Trang - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Lâm cho biết, ngoài lĩnh vực biển đảo, Cam Lâm còn có lợi thế để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, khám phá rừng tự nhiên, thể thao leo núi… Trên địa bàn huyện còn bảo tồn và lưu giữ nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử với khoảng 28 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia (chùa Linh Sơn và mộ Yersin tại xã Suối Cát). Đặc biệt, địa bàn xã Suối Cát có Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà trên độ cao 1.500m, khí hậu mát mẻ, với nhiều loại cây quý hiếm, nơi lưu giữ các di tích về cuộc đời và hoạt động của nhà bác học Yersin, thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, thể thao leo núi.

Đánh giá chung về việc phát triển kinh tế của huyện thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Hảo, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân huyện Cam Lâm đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; thu hút và phát triển mạnh các ngành công nghiệp sạch, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, chế biến. Song song đó, cả hệ thống chính trị tích cực kêu gọi và thu hút đầu tư để triển khai các dự án lớn có tính động lực; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường du lịch, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân về vai trò, giá trị kinh tế của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cam Lâm tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn để tạo nên sự phát triển vượt bậc trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nguồn: baokhanhhoa
Chia sẻ nội dung:
0868255888