M&A LỚN NHANH TRONG BÃO DỊCH
“Ngay trong giai đoạn cao điểm Covid-19, chúng tôi đã nhận đến trên 20 đơn hàng là các dự án cần được bán”, ông Giáp Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT AVLand Group chia sẻ về sự sôi động của thị trường M&A ngay ở thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến căng thẳng và phức tạp nhất.
Vị đại diện AVLand Group cho biết, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm tới các dự án bất động sản cần chuyển nhượng ở trong nước. Thậm chí, đã có giai đoạn, bộ phận M&A của doanh nghiệp ông bị quá tải vì có quá nhiều hồ sơ, dự án đổ về.
“Tôi tin rằng, Covid-19 sẽ kích hoạt một làn sóng M&A mới trong lĩnh vực địa ốc. Cũng có thể coi đây là một cuộc sàng lọc tự nhiên của thị trường. Nguyên lý thị trường luôn là 80/20, tức trong khoảng 100 doanh nghiệp, chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp thực sự có tầm cỡ. Đại dịch xảy đến vừa tạo ra một cuộc sàng lọc, vừa tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn vào các hoạt động M&A. Các chủ đầu tư không đủ năng lực sẽ phải chuyển giao dự án, trong khi một số nhà đầu tư tiềm lực lại muốn thông qua M&A để gia nhập thị trường nhanh hơn. Để xin giấy phép cho một dự án mới mất vài ba năm, nên việc mua lại dự án đã xong pháp lý từ các chủ đầu tư gặp khó khăn là con đường tắt để gia nhập thị trường”, ông Kiểm chia sẻ.
Cùng quan điểm, bà Như Khương, đến từ Colliers Việt Nam cho rằng, dịch bệnh mang đến nhiều cơ hội để thực hiện M&A. Tuy nhiên, để tận dụng được thời cơ này, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị sẵn nguồn lực từ trước.
Một đặc điểm khá thú vị có thể nhận thấy từ một số thương vụ M&A điển hình trong lĩnh vực địa ốc, đó chính là sở thích mua lại dự án trùm mềm của các tay chơi.
Mới đây, Tập đoàn Danh Khôi đã chi hàng ngàn tỷ đồng để mua lại hàng loạt dự án như Sun Frontier (Đà Nẵng) từ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Sun Frontier (Nhật Bản), dự án Hotel And Resort Đà Nẵng từ Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Hà Nội - Non Nước, dự án khu căn hộ quy mô 17 block tại Quy Nhơn (Bình Định), dự án Aria Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) từ Công ty cổ phần Du lịch và Đầu tư xây dựng châu Á (Cotec Asia)... - Tương tự, LDG Group cũng vừa mua lại dự án Khu căn hộ cao cấp Sông Đà Riverside (quận Thủ Đức, TP.HCM) từ Công ty cổ phần Đầu tư Quốc Cường Gia Lai, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.153 tỷ đồng.
Một cái tên khác cũng khá tích cực “đi chợ” để “mua sắm” dự án thời gian qua, đó là Tập đoàn Hưng Thịnh. Doanh nghiệp này công bố đã chi hàng nghìn tỷ đồng để mua lại một dự án quy mô hơn 1.000 ha tại Nhơn Hội (Bình Định).
Trong số các dự án nói trên, nhiều dự án trước khi được sang tay, thực sự đã “chết lâm sàng” khá lâu.
KHÔNG NÊN QUÁ KỲ VỌNG
Nhìn nhận về triển vọng thị trường M&A, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cú huých đối với hoạt động đầu tư vào Việt Nam sau khi Covid-19 thoái trào trên thế giới.
ông Sử Ngọc Cương
Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam.
Các hiệp định này sẽ mở rộng cửa cho hàng hóa Việt Nam vào các thị trường mới, thị trường đầy tiềm năng, đồng thời sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư sản xuất để hưởng ưu đãi thuế. Theo đó, lĩnh vực bất động sản cũng được xem là một trong lĩnh vực hấp dẫn và là ngành sẽ mở rộng cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện Savills cũng cho rằng, các thành viên thị trường cũng không nên quá kỳ vọng vào điều này do hiện còn tồn tại rất nhiều hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi và chuỗi cung ứng ở phân khúc công nghiệp.
Với phân khúc nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã nới rộng cửa cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khoảng 5 năm luật này có hiệu lực, số người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam không nhiều. Với phân khúc văn phòng, nguồn cung không lớn và tỷ lệ lấp đầy đã tương đối cao, nên các hiệp định trên sẽ không tác động quá nhiều vào thị trường.
Vì các lý do đó, các hiệp định trên có thể giúp thị trường bất động sản sôi động hơn trong vài năm tới, nhưng nếu nói về việc thay đổi cục diện thì vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ nhận định nào.
Ở lĩnh vực M&A bất động sản, theo chuyên gia của Savills, để thực hiện được một thương vụ đòi hỏi cả một quá trình. Hoạt động M&A bao gồm hai hình thức, thứ nhất là đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp, thứ hai là đầu tư từng dự án cụ thể.
Với hình thức thứ nhất, nếu mua cổ phần của công ty bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ có lợi hơn, bởi có thể thu lợi nhuận cao trong thời gian ngắn (giá cổ phiếu tăng), còn không cũng dễ cắt lỗ hơn. Trong khi đó, với hình thức thứ 2 sẽ mất nhiều thời gian hơn, bởi vướng phải nhiều thủ tục pháp lý cần giải quyết.
Đưa ra dự báo về làn sóng M&A trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá, nhìn vào bối cảnh chung của cả thế giới, có thể thấy Việt Nam là một quốc gia đáng sống, một môi trường an toàn, điểm đến hấp dẫn người nước ngoài vào đầu tư. Bởi vậy, trong giai đoạn tới, rất có thể làn sóng đầu tư vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Dự báo về phân khúc hấp dẫn hút dòng tiền, ông Peter Sorensen, Giám đốc điều hành ABB Merchant Banking dự báo, không khó để nhận thấy sự ưu tiên của các nhà đầu tư đối với các tài sản có vị trí đắc địa và các tòa nhà chất lượng hạng A với lợi nhuận ổn định.
Trong ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú vốn bị ảnh hưởng một cách tiêu cực bởi Covid-19, bên bán đang tìm kiếm các nhà đầu tư trên tất cả các dự án từ thấp đến cao, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài ưa thích các mô hình chuỗi nghỉ dưỡng, các khách sạn 5 sao đã vận hành và các tài sản cơ bản.
Tác giả: Thanh Nguyễn