Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong cho biết, khu vực bán đảo Hòn Gốm đang nhận được sự quan tâm từ 2 doanh nghiệp lớn là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương và Tập đoàn Geleximco. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được đấu thầu rộng rãi theo quy định.
Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong vừa báo cáo UBND tỉnh Khánh Hòa kế hoạch thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn vào khu vực phía bắc khu kinh tế Vân Phong (thuộc địa bàn huyện Vạn Ninh). Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh cho phép lập và điều chỉnh quy hoạch phân khu đối với các khu chức năng tại đây.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong, hiện nay, Khu phi thuế quan đã được quy hoạch tại bán đảo Hòn Gốm với quy mô lên đến 920ha, gồm Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong và Khu trung tâm dịch vụ tổng hợp Hòn Gốm rộng 320ha.
Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2006. Một phần khu vực này đã có dự án Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (42ha) do Công ty TNHH Cảng Vân Phong đầu tư xây dựng, còn lại vẫn chưa thu hút được nhà đầu tư. Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong đã đề xuất UBND tỉnh cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu trung tâm dịch vụ tổng hợp Hòn Gốm nhằm tạo cơ sở pháp lý lựa chọn nhà đầu tư.
Đến nay, khu vực này đã có Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn và Tập đoàn Geleximco của ông Vũ Văn Tiền quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được đấu thầu rộng rãi theo quy định.
ông Vũ Văn Tiền chủ tịch tập đoàn Geleximco
Tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa cách đây 1 tháng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn IPP từng cho rằng, bắc Vân Phong đang sở hữu những lợi thế mà nhiều nơi khác không có được. Ông Hạnh Nguyễn cho biết, IPP đã nghiên cứu khu vực này từ 2 năm trước và mong muốn đầu tư xây dựng khu vực bắc Vân Phong thành một khu kinh tế hiện đại, khác biệt. "Bằng tiềm năng liên danh với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, IPP cam kết sẽ thu hút 40 tỷ USD đầu tư vào bắc Vân Phong. IPP không đầu tư cả 40 tỷ USD mà chúng tôi sẽ kêu gọi các tỷ phú thế giới cùng đầu tư vào theo từng thế mạnh của họ", ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định.
Để sớm có thể phát triển bắc Vân Phong, Tập đoàn IPP kiến nghị lãnh đạo tỉnh cho phép được tự bỏ khoảng 68 tỷ đồng để thuê Tập đoàn KPMG (Hàn Quốc) thiết kế quy hoạch cho bắc Vân Phong. Sau khi lập xong quy hoạch, tập đoàn sẽ tặng quy hoạch lại cho tỉnh. "Bước vào tuổi cuối đời, tôi mong muốn được đóng góp cái gì đó cho quê hương. Chúng tôi chỉ xin tỉnh ký biên bản ghi nhớ để tập đoàn được nghiên cứu, lập quy hoạch, còn sau này đơn vị nào thực hiện thì đề nghị tỉnh cho đấu thầu rộng rãi. Nếu IPP đủ điều kiện thì thực hiện, còn không thì vui vẻ để lại cho đơn vị khác", ông Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Trong khi đó, tại khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang, khu vực này có diện tích 1.200ha, trong đó có hơn 570ha đã được định hướng quy hoạch chung xây dựng các khu dịch vụ du lịch và đô thị sinh thái biển, còn lại là cây xanh, mặt nước và giao thông. Khu vực này đã được UBND tỉnh giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 ở khu vực phía bắc Tuần Lễ - Hòn Ngang (diện tích 590ha), còn lại khoảng 600ha chưa được lập quy hoạch.
Hiện nay, quy hoạch đã phê duyệt cũng không còn phù hợp với quy hoạch chung khu kinh tế Vân Phong đã được điều chỉnh. Tại khu vực này, Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong đã chấm dứt hoạt động của các dự án đã có thỏa thuận đầu tư nhưng triển khai chậm. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp tiếp tục quan tâm đề xuất đầu tư vào khu vực này nhưng chưa được xem xét. Ngoài ra, các khu vực đô thị đa chức năng, khu phát triển công nghiệp tập trung rộng hàng nghìn héc-ta… cũng được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm.
Danh sách các dự án ưu tiên phát triển tại bắc Vân Phong:
- Khu phi thuế quan ở xã Vạn Thạnh gồm: Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong rộng gần 1.000ha, Khu trung tâm tổng hợp Hòn Gốm rộng khoảng 1.150ha;
- Khu đô thị - du lịch Tuần Lễ - Hòn Ngang ở 2 xã Vạn Thọ và Vạn Thạnh, rộng khoảng 1/200ha;
- Khu đô thị Mũi Đá Son ở xã Vạn Thạnh, rộng khoảng 155ha;
- Khu đô thị du lịch Điệp Sơn ở thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, rộng khoảng 486ha;
- Khu đô thị Tu Bông ở phía nam đèo Cổ Mã, rộng khoảng 900ha;
- Khu công nghiệp Vạn Thắng ở xã Vạn Thắng, rộng khoảng 200ha.
Nguồn: cafebiz