Bán tháo khách sạn là lựa chọn khá dễ hiểu của các chủ đầu tư, khi hoạt động kinh doanh đóng băng, thua lỗ nặng do Covid-19. Đương nhiên, những nhà đầu tư “cá mập” không bỏ qua cơ hội M&A đầy hấp dẫn này.
LÀN SÓNG BÁN THÁO LAN RỘNG
Những tháng đầu năm 2020, khi Covid-19 bắt đầu bùng phát, tại TP. Đà Nẵng, hàng loạt khách sạn bị sụt giảm mạnh doanh thu, thậm chí về 0 và lỗ nặng. Nửa đầu năm, khách sạn 5 sao Sheraton Đà Nẵng báo lỗ gần 149 tỷ đồng, chuỗi khách sạn của Công ty TTC báo lỗ 6,5 tỷ đồng. Cuối tháng 7/2020, khi những ca nhiễm Covid-19 tái xuất hiện tại Đà Nẵng, một lần nữa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú lao đao.
Kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục trong nhiều tháng là tác nhân chính gây ra làn sóng bán tháo khách sạn của các chủ đầu tư nhằm cân đối nguồn vốn. Thông tin rao bán khách sạn tràn ngập trên các kênh thông tin và sàn giao dịch bất động sản từ đầu năm đến nay.
Tại TP.HCM, nhiều khách sạn quy mô nhỏ nằm trên đường Lý Tự Trọng, Thủ Khoa Huân, Lê Thánh Tôn, Bùi Thị Xuân... đang được chào bán.
Khách sạn 3 sao Alagon Saigon Hotel and Spa tọa lạc trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM) được chào bán với giá 230 tỷ đồng. Cách đó không xa, một khách sạn 4 sao trên đường Võ Văn Tần được chào bán với giá 380 tỷ đồng.
Không chỉ các khách sạn nhỏ, hai khách sạn 5 sao nổi tiếng trên trục đường Trần Hưng Đạo và Lê Lai (quận 1, TP.HCM) cũng đang ráo riết chuyển nhượng, song với mức giá chào bán “hạng sao”, chủ đầu tư không dễ tìm được đối tác.
Tại các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận..., lượng khách sạn, resort có nhu cầu chuyển nhượng cũng tăng đột biến.
DẤU HIỆU CỦA MỘT “ĐẠI CHIẾN DỊCH”
Làn sóng bán tháo khách sạn không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Tại châu Á, hàng loạt khách sạn lớn nhỏ cũng đang vật lộn tìm các kênh hỗ trợ tài chính mới để tồn tại.
Thậm chí, 2 đại gia khổng lồ trong ngành khách sạn toàn cầu là Accor và InterContinental Hotels Group (THG) cũng đang toan tính kế hoạch M&A. Những động thái trong thời gian gần đây của 2 tập đoàn này được cho là đang ở các bước cuối cùng trước khi “về chung một nhà”.
Ông Patrick Basset, Giám đốc điều hành (C00) của Accor tại khu vực Thượng Đông Nam, Đông Bắc Á và Maldives chia sẻ, tính đến ngày 24/8/2020, mặc dù hơn 4.200 khách sạn (83% tổng số khách sạn mà Accor quản lý và vận hành) vẫn đang hoạt động, nhưng Accor cũng phải đối mặt với những tác động nghiêm trọng của đại dịch, khi doanh thu trên mỗi phòng trống đã giảm 59,3% trong nửa đầu năm 2020, dẫn đến khoản lỗ ròng 1,5 tỷ euro cho toàn hệ thống.
Trong khi đó, ông Rajit Sukumaran, Giám đốc điều hành IHG khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc khẳng định, thời điểm hiện tại chính là khoảng thời gian đầy thách thức đối với ngành khách sạn.
“Chúng tôi tập trung ứng phó với Covid-19 theo cách tốt nhất có thể trên mọi mặt trận. Giao dịch khó khăn trên toàn cầu vì nhu cầu giảm nhanh và đột ngột. Tuy nhiên, thị trường đang chứng kiến sự vực dậy của ngành lưu trú với việc mở cửa trở lại các khách sạn trên khắp thế giới và chúng tôi đang làm mọi điều có thể để phục hồi”, ông Sukumaran nói.
Chưa thể nói trước việc hợp nhất Accor và IHG có diễn tiến theo đúng kế hoạch hay không, nhưng các chuyên gia tiên liệu rằng, thương vụ M&A này nếu thành công có thể trở thành “phát súng” đầu tiên cho một “đại chiến dịch” M&A trên phạm vi toàn thế giới.
Theo đánh giá của ông Giovanni Marino, Giám đốc điều hành KPMG Legal Hanoi, khách sạn là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. “Tác động của đại dịch vào nền kinh tế đã khiến giá trị tài sản khách sạn giảm 25 - 30% và thị trường đang có lợi cho người mua là các nhà tài chính quốc tế”, ông Marino tính toán.
Phân tích kỹ hơn, vị chuyên gia này cho rằng, các tài sản được chào bán hiện nay có giá cả phải chăng hơn so với giai đoạn trước đại dịch. Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư có sẵn nguồn tài chính. Covid-19 khiến tỷ lệ lấp đầy thấp, ảnh hưởng nặng nề đến dòng tiền của khách sạn và chủ sở hữu, nên họ phải tìm cách thu lại vốn đầu tư và một trong những giải pháp khả thi là bán khách sạn.
Hiện nay, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng năm gần các điểm du lịch và bãi biển tại Việt Nam được rao bán với giá 15 - 25 triệu USD.
Cho rằng, thế giới đang trong giai đoạn vô cùng bất ổn và biến động, ông Govinda Singh, Giám đốc điều hành Colliers International Asia nhấn mạnh, kinh nghiệm và sự quyết đoán sẽ là chìa khóa cho sự tồn tại và phục hồi của các khách sạn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
BÙNG NỔ M&A
Ông Govinda Singh chỉ ra, các xu hướng đầu tư xuyên biên giới đang ngày càng tăng cao. Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi sẽ tạo ra động lực thúc đẩy các nhà đầu tư EU tới thị trường Việt Nam nhiều hơn.
“ Chúng ta sẽ thấy các quỹ đầu tư bất động sản xuyên biên giới, đặc biệt là các quỹ từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... thâm nhập thị trường Việt Nam. Đây sẽ là nguồn cầu rất lớn cho M&A trong ngành khách sạn”, ông Singh nói.
Tại TP.HCM và Hà Nội, đã có nhiều giao dịch M&A khách sạn, trong khi đó, các thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) cũng đang thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Thông thường, khi đầu tư vào thị trường mới nổi, các nhà đầu tư thường bắt đầu tại các thành phố cửa ngõ quan trọng. Sau khi “phủ sóng thương hiệu và đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thị trường, họ sẽ mở rộng đầu tư sang các tỉnh, thành phố khác để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
“Chúng tôi kỳ vọng, giao dịch M&A sẽ khởi sắc khi các đường bay quốc tế được nối lại và hành khách không còn bị cách ly. Đó sẽ là cơ hội mà các nhà đầu tư cần nắm bắt. Dự báo, các thương vụ M&A sẽ tăng lên đáng kể vào quý đầu tiên của năm 2021”, ông Singh nhận định.
Cũng đề cập làn sóng M&A khách sạn, ông Adam Bury, Phó chủ tịch điều hành khu vực châu Á của Tập đoàn JLL Hotels & Hospitality khẳng định, với một lượng vốn đầu tư lớn đang sẵn sàng giải ngân trên toàn cầu, cuộc khủng hoảng khách sạn sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới và thị trường M&A trong lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng sẽ “nóng” hơn trong những tháng tới. Thị trường sẽ sôi động với nhiều giao dịch từ các nhà đầu tư không chuyên, các khách sạn vừa và nhỏ trên cả nước.
Ngoài ra, ông Adam Bury còn cho rằng, những chủ đầu tư cầm cự được sau giai đoạn này sẽ có nền tảng vững chắc hơn để chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.
Thời gian qua, những nỗ lực phòng, chống Covid-19 quyết liệt và hiệu quả của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ca ngợi, tô đậm hình ảnh Việt Nam trên "bản đồ" du lịch toàn cầu như một điểm đến du lịch an toàn sau khi dịch bệnh được khống chế. Bên cạnh đó, với triển vọng phát triển kinh tế và tiềm năng từ thị trường, Việt Nam còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Các chuyên gia nhận định, Covid-19 sẽ còn kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều chủ sở hữu khách sạn, những người có các khoản vay đầu tư và dự trữ tiền mặt hạn chế. Vì vậy, các chủ đầu tư cần xem xét, đánh giá lại danh mục đầu tư của mình, trong đó, việc bán đi các tài sản không phải cốt lõi là một cách làm thông minh.
Theo Sohovietnam, đơn vị chuyên tư vấn các thương vụ M&A bất động sản, nhu cầu của các nhà đầu tư đặt mua khách sạn tại Việt Nam tăng lên trong thời gian gần đây. Riêng lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng, có khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng đang sẵn sàng cho các thương vụ đầu tư. Tiêu chí của các nhà đầu tư tập trung vào các khách sạn đã xây xong, đang vận hành hoặc đất dự án, đang trong quá trình xây dựng. Thị trường khách sạn và du lịch Việt Nam đang là một trong những địa điểm hàng đầu được giới đầu tư quan tâm, lên kế hoạch M&A. Năm 2019, giá trị các thương vụ M&A khách sạn tại Việt Nam đạt khoảng 358 triệu USD, chiếm 17% giá trị M&A tại Đông Nam Á. Các thương vụ đáng chú ý trong năm 2019 là giao dịch chuyển nhượng cổ phần tại Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake, Somerset West Lake Hanoi và Sheraton Nha Trang Hotel & Spa.
Tác giả: Bích Ngọc