Tin tức

Tin tức

Định hướng để thúc đẩy phát triển Ninh Hòa

Định hướng để thúc đẩy phát triển Ninh Hòa

Nhanh chóng giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các dự án chậm tiến độ; quy hoạch sử dụng đất phải gắn liền với sinh kế người dân… là những nội dung quan trọng được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo thị xã Ninh Hòa trong cuộc họp thẩm định Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của thị xã.

Gỡ vướng những dự án chậm tiến độ

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có một số dự án hơn 10 năm vẫn chưa triển khai, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của địa phương như: Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai (phường Ninh Hải), Khu dân cư (KDC) Ninh Thủy (phường Ninh Thủy)... Dự án Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 từ năm 2010 với tổng diện tích hơn 162ha. Hiện nay, dự án đã GPMB 108ha; qua quá trình điều chỉnh, còn lại 16ha người dân không đồng ý với giá bồi thường nên không giao mặt bằng. Dự án KDC Ninh Thủy do Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Ninh Hòa làm chủ đầu tư; có diện tích 71,92ha; thời gian hoạt động 50 năm tính từ ngày UBND tỉnh có văn bản về việc thỏa thuận dự án (ngày 17-4-2002). Dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công tác GPMB mới chỉ đạt gần 80%; còn lại chưa thể thực hiện do một số hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, công tác GPMB ở các dự án nói trên đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các dự án đã trải qua nhiều thời kỳ, 3 lần điều chỉnh thay đổi các quy định ở Luật Đất đai năm 1993, 2003 và 2013. Tại thời điểm áp dụng theo Luật đất đai 1993, Nhà nước thu hồi đất và giao lại cho doanh nghiệp, việc đền bù sẽ áp dụng theo giá quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, áp dụng theo Luật Đất đai năm 2013, để thực hiện GPMB đối với các dự án nêu trên, doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân, không áp đặt theo giá Nhà nước. Do giá đất thị trường hiện nay cao, người dân lại không chấp nhận giá của doanh nghiệp đưa ra nên việc thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn. Thị xã không biết phải áp dụng quy định nào để giải quyết.

Để giải quyết vướng mắc các dự án nêu trên, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, UBND thị xã Ninh Hòa phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh xem xét đưa ra khỏi dự án đối với những phần diện tích đất chưa thỏa thuận được với dân, chưa GPMB để nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án.

Tái định cư phải gắn liền với sinh kế

Một vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay trên địa bàn thị xã Ninh Hòa là việc các khu vực được bố trí tái định cư (TĐC) cho dân chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Năm 2010, do ảnh hưởng của các dự án công nghiệp tại khu vực Nam Vân Phong, Khu TĐC Ninh Thủy (phường Ninh Thủy) rộng 100ha và Xóm Quán (xã Ninh Thọ) rộng 50,28ha đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thế nhưng đến nay chỉ có lác đác vài hộ dân chuyển đến ở. Nguyên nhân cơ bản là người dân được TĐC chủ yếu làm nghề biển, trong khi các khu TĐC này lại cách xa biển 15-20km nên không thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống. Do đó, nhiều hộ dân được bố trí đất TĐC ở đây đã phải bán đất, đi mua đất ở các vị trí mới phù hợp hơn.

Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của thị xã Ninh Hòa, tổng diện tích đất tự nhiên toàn thị xã đến năm 2030 có hơn 117.019ha, tăng gần 554ha so với năm 2020. Nguyên nhân tăng là do thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị và xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong như: Xây dựng Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa tại xã Ninh Thọ; Khu sản xuất công nghiệp tập trung tại phường Ninh Hải; Khu Công nghiệp Ninh Tịnh; mở rộng đất năng lượng tại xã Ninh Phước; cảng vật liệu xây dựng Ninh Phước; bến cảng tổng hợp Nam Vân Phong tại phường Ninh Thủy, Ninh Phước (lấn bãi bồi ven bờ); trồng rừng ngập mặn ven biển tại 2 xã Ninh Ích, Ninh Lộc và phường Ninh Hà.

Ông Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của thị xã Ninh Hòa phải đảm bảo việc phát triển kinh tế gắn liền với sinh kế của người dân. Các khu TĐC không được bố trí ở quá xa nơi người dân sinh sống, tránh việc người dân làm nghề biển nhưng lại bố trí TĐC trên núi; các khu vực diêm dân đang làm muối thì khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải đảm bảo sản xuất và chuyển đổi nghề cho dân. Ông yêu cầu UBND thị xã Ninh Hòa bổ sung thêm vào quy hoạch một khu TĐC gần biển ở Bãi Chướng (xã Ninh Vân) để khi dân làm biển được bố trí TĐC có thể lựa chọn Khu TĐC Xóm Quán, Ninh Thủy hoặc Khu TĐC Bãi Chướng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, trong quy hoạch sử dụng đất, thị xã Ninh Hòa cần bố trí thêm quỹ đất dự trữ hợp lý, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hiện nay và những năm tiếp theo; không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các khu vực đồi núi, khu vực có nguy cơ sạt lở.

Nguồn: baokhanhhoa

Chia sẻ nội dung:
0868255888