Tin tức

Tin tức

Doanh nghiệp đua nhau mở rộng quỹ đất công nghiệp

Doanh nghiệp đua nhau mở rộng quỹ đất công nghiệp

Giá thuê bất động sản công nghiệp liên tục tăng, biến phân khúc này trở thành "miếng bánh béo bở", nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã bắt đầu chạy đua mở rộng quỹ đất để tăng cung.

Gấp rút bổ sung nguồn cung

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Tổng công ty IDICO khi thoái hết phần vốn nhà nước và chuyển sang mô hình hoạt động mới, với mục tiêu đẩy mạnh các lĩnh vực kinh doanh then chốt như khu công nghiệp, bất động sản nhà ở khu công nghiệp, năng lượng và kho bãi, nhà xưởng cho thuê...

Đại diện IDICO cho biết, trong năm nay, doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội để phát huy thế mạnh về khu công nghiệp với nhiều dự án được đưa vào khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Cụ thể, đối với Khu công nghiệp Hựu Thạnh (Long An), IDICO đẩy nhanh khâu giải phóng mặt bằng, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường và ứng dụng công nghệ số trong quản lý vận hành; xây dựng Nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I với công suất 4.000 m3/ngày đêm trước tháng 10/2021 theo tiến độ hợp đồng đã ký kết.

Đối với Khu công nghiệp Cầu Nghìn (Thái Bình), IDICO tập trung chuyển mục đích sử dụng đất lúa và giải phóng mặt bằng giai đoạn II với 140 ha. Những khu công nghiệp khác của IDICO như Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng cũng tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện các hạng mục công trình cần thiết để thu hút đầu tư.

Tương tự, Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (đơn vị thành viên của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam) cũng đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng để xúc tiến cho thuê lại đất khi Dự án Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II gần 346 ha hoàn thành thủ tục hồ sơ pháp lý.

Ông Hà Trọng Bình, Tổng giám đốc công ty cho biết, định hướng của Nam Tân Uyên là thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp có tỷ trọng tri thức, hàm lượng công nghệ cao, quy mô đầu tư lớn.

Sự sốt sắng của doanh nghiệp trong mở rộng quỹ đất, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư như hai doanh nghiệp nói trên là điều dễ hiểu. Báo cáo quý I/2021 của Colliers Việt Nam cho biết, giá chào thuê trung bình cho đất công nghiệp tại TP.HCM trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 165 USD/m2/kỳ hạn thuê, tỷ lệ lấp đầy hơn 85%. Sự khan hiếm về nguồn cung khu công nghiệp tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận diễn ra trong bối cảnh nhu cầu đất công nghiệp, nhà xưởng và kho bãi tăng cao là nguồn cơn khiến giá thuê bất động sản công nghiệp không ngừng tăng.

Bởi vậy, hiện tại một số địa phương đã và đang lên kế hoạch mở rộng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài, như tỉnh Long An đã được phê duyệt bổ sung 3 khu công nghiệp mới vào quy hoạch quốc gia gồm Khu công nghiệp Sài Gòn - Mê Kông (200 ha), Khu công nghiệp Tân Tập (654 ha) và Khu công nghiệp Lộc Giang (466 ha). Tỉnh Đồng Nai cũng có kế hoạch xây dựng thêm các khu công nghiệp, mỗi khu công nghiệp từ 200 đến 900 ha, để giải quyết tình trạng thiếu diện tích.

Riêng tại TP.HCM, chính quyền đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép lập quy hoạch phân khu xây dựng khu đất 380,8 ha tại đường Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (thuộc nông trường Phạm Văn Hai) thành khu công nghiệp để đảm bảo việc thu hút đầu tư.

Phát triển theo hướng sinh thái

Báo cáo mới đây của Ban Quản lý Các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), cho biết, hiện Thành phố đang triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm các ngành cao su - nhựa, cơ khí - tự động hóa, chế biến lương thực - thực phẩm. Hepza được phân công nhiệm vụ chuẩn bị quỹ đất để tiếp nhận những ngành công nghiệp hỗ trợ này theo hướng phân khu.

Theo quy hoạch, quỹ đất công nghiệp của TP.HCM là 5.921 ha, tỷ lệ lấp đầy hiện vào khoảng 72%. 28% diện tích đất còn lại theo quy hoạch đang vướng các vấn đề về pháp lý, giá cho thuê… nên chưa thể đưa vào khai thác.

Mới đây, đích thân Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong đã làm việc với Hepza để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc này, trong đó có việc giải phóng đất sạch cho nhà đầu tư, song song với việc phát triển quỹ đất mới là Khu công nghiệp Phạm Văn Hai.

Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Quản lý đầu tư Hepza thông tin, hiện quỹ đất đã đa dạng hơn. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu diện tích lớn có thể đến các khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Tân Phú Trung, Tây Bắc Củ Chi (huyện Củ Chi)… Những doanh nghiệp muốn có quy mô đầu tư trên diện tích đất khoảng 1.000 m2 có thể đến các khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), Linh Trung, Bình Chiểu (TP. Thủ Đức)…

Ở góc độ tư vấn chính sách, ông David Jackson, Giám đốc điều hành Công ty Colliers Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái. Các địa phương nên có cơ chế thường xuyên cập nhật tình hình phát triển khu công nghiệp, chính sách phát triển, cách làm hay… để cùng nhau phát triển, tạo thành hệ thống đồng bộ. Cơ chế này cũng sẽ giúp các địa phương giải quyết những vấn đề phát sinh một cách hiệu quả hơn, tận dụng tốt ưu thế của từng tỉnh, thành phố, tạo sự hài hòa trong quá trình phát triển liên vùng, đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Nguồn: baodautu

Chia sẻ nội dung:
0868255888