Tin tức

Tin tức

Doanh nghiệp Hàn muốn xây đô thị, thành phố thông minh ở Việt Nam

Doanh nghiệp Hàn muốn xây đô thị, thành phố thông minh ở Việt Nam

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia được nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm bậc nhất.

Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham Việt Nam) đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam 27 năm qua. Trong cuộc phỏng vấn với Zing, ông khẳng định sẵn sàng gắn bó với Việt Nam đến cuối đời.

Sống tại Việt Nam lâu hơn ở Hàn Quốc, ông Hong Sun cho biết cuộc sống của ông tại Việt Nam thậm chí còn thoải mái hơn ở quê nhà. Tuy nhiên, vài năm một lần, ông Sun lại phải gia hạn thẻ tạm trú.

Do đó, ông hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra nhiều chính sách hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài sinh sống và đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đó là một trong những kỳ vọng mà Phó chủ tịch Korcham muốn gửi tới Chính phủ mới của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc coi trọng thị trường, đất nước và nguồn nhân lực của Việt Nam.

Đặt nhiều kỳ vọng

- Từ góc độ của một nhà lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong nhiệm kỳ 2016-2021 qua?

- Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn về cả vĩ mô và vi mô trong vòng 5 năm qua. Đất nước các bạn đã rất thành công trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), bao gồm dòng vốn khổng lồ từ Hàn Quốc.

Chính phủ Việt Nam đã rất cởi mở đối với kinh tế và thương mại. Hồi cuối năm 2015, Hàn Quốc và Việt Nam ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Hiệp định có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia.

Cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 hồi đầu năm 2020 đã ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thế giới. Một số nền kinh tế hàng đầu sa sút nghiêm trọng. Trong khi đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương, với mức tăng trưởng cao hơn đáng kể các nước khác và đứng đầu khu vực.

Đó là tin tốt đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Chúng tôi đánh giá rất cao quyết tâm chống dịch của Chính phủ và người dân Việt Nam. Thành công trong việc chống dịch đã mở ra cơ hội lớn cho đất nước.

Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ mới sẽ mang đến tương lai mới cho đất nước. Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 đã đạt trên 10.000 USD (theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế), tạo nền tảng cho 5 năm tiếp theo.

Ông Hong Sun - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

- Ông kỳ vọng như thế nào về sự thay đổi chính sách của Việt Nam dưới nhiệm kỳ của Chính phủ mới, thưa ông?

- Từ trước đến nay, các chính sách kinh tế và thương mại của Việt Nam vẫn rất cởi mở và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong thời gian qua, rất nhiều quốc gia đang phát triển cũng đưa ra nhiều chính sách để thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia được các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm nhất. Hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, con người, ẩm thực, nhân sinh quan. Nhà đầu tư Hàn Quốc sang Việt Nam sinh sống và làm việc nhưng không có cảm giác sống ở nước ngoài, mà thấy dễ chịu như sống trong nước.

Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ mới của Việt Nam sẽ duy trì các chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho doanh nhân nước ngoài đầu tư một cách hiệu quả và toàn diện.

Dĩ nhiên, chúng ta cần xử lý các trường hợp nhà đầu tư không minh bạch, làm trái luật. Tuy nhiên, đối với những doanh nhân tuân thủ pháp luật, chúng tôi hy vọng được Chính phủ tạo điều kiện để đầu tư và mở rộng hoạt động một cách dễ dàng.

Bên cạnh đầu tư trực tiếp, nhiều nhà đầu tư cá nhân tại Hàn Quốc sẵn sàng mua cổ phiếu của công ty Việt Nam. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể huy động thêm vốn từ nước ngoài. Tuy nhiên, việc đầu tư gián tiếp thông qua các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tài chính vẫn còn gặp một số rắc rối về thủ tục.

Do đó, chúng tôi hy vọng Chính phủ mới của Việt Nam sẽ tiếp tục cởi mở và nới lỏng các điều kiện để thu hút thêm nhà đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Tháo gỡ khó khăn

- Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam là gì? Theo ông, Chính phủ mới có thể làm gì để hóa giải những thách thức này?

- Các nhà đầu tư bất động sản muốn xây dựng trung tâm thương mại, thành phố thông minh, khu đô thị, khu công nghiệp, vẫn vướng phải một số vấn đề về thủ tục.

Việt Nam đã cải thiện môi trường đầu tư và thủ tục hành chính nhưng có lẽ vẫn chưa đủ. Các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài muốn xây dựng trung tâm thương mại thường tốn rất nhiều thời gian để xin giấy phép.

Ngoài ra, dù tốn chi phí thuê văn phòng luật sư và chuyên gia tư vấn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong việc xử lý thủ tục hành chính, khó thực hiện dự án đúng kế hoạch, nhất là khi quy hoạch tổng thể của trung ương, địa phương thay đổi.

Tôi từng biết một trường hợp khu công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài được đưa vào danh sách khu công nghiệp trung ương và nhận ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, sau đó, khu công nghiệp bị loại khỏi danh sách, xóa bỏ ưu đãi thuế, thậm chí phải hoàn trả một số ưu đãi đã được hưởng. Điều đó gây hoang mang cho nhiều nhà đầu tư.

- Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện quan tâm đến những lĩnh vực nào của Việt Nam, thưa ông?

- Chúng tôi vẫn cho rằng sản xuất là nền tảng để phát triển đất nước. Những tập đoàn lớn như Samsung, LG đã đầu tư hàng chục tỷ USD cho sản xuất nhằm phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang nước ngoài. Điều đó tạo lợi ích cho cả hai bên. Chẳng hạn, riêng các công ty phụ trợ cấp 1, cấp 2, cấp 3 của Samsung đã lên đến 1.000 công ty.

Chúng tôi cũng rất quan tâm đến đầu tư cơ sở hạ tầng như xây dựng sân bay, đường sắt, đường bộ, cầu, cảng... Nhiều tập đoàn còn muốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Thứ ba là lĩnh vực tài chính. Như tôi đã nói ở trên, một số lượng lớn công ty chứng khoán, chi nhánh ngân hàng Hàn Quốc đã hoạt động tại Việt Nam. Nhưng từng đó vẫn chưa đủ. Chúng tôi muốn mở rộng hơn nữa để thông qua đó, ngày càng nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.

Khuyến khích khởi nghiệp

- Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, Chính phủ mới của Việt Nam nên làm gì để đạt mục tiêu tự cung khoa học, phát triển công nghệ và gia tăng năng lực cạnh tranh trên toàn cầu?

- Nghị quyết 50-NQ/TW 2019 của Bộ Chính trị Việt Nam cũng đã nêu cần ưu tiên các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới và có giá trị gia tăng cao.

Chính phủ mới cũng nên khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất và đưa ra các chính sách ưu tiên xuất khẩu. Trước đây, Hàn Quốc thường xuyên ưu đãi, bảo lãnh huy động vốn cho những doanh nghiệp xuất khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu trên 1 tỷ USD có thể được ưu tiên vay vốn với lãi suất rất thấp. Các công ty vừa và nhỏ, chưa có vị thế trên thị trường quốc tế, có thể bán hàng hóa và dịch vụ thông qua những công ty lớn hơn.

Hàn Quốc cũng có những cơ quan thúc đẩy xuất khẩu như Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Cơ quan Thương mại Nông nghiệp (AT) - chuyên hỗ trợ các nông dân xuất khẩu nông sản sang nước ngoài, Liên minh Tổ hợp Doanh nghiệp vừa và nhỏ - giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư ra nước ngoài...

Việt Nam cũng rất coi trọng cải cách công nghệ và khuyến khích phát triển khoa học cơ sở. Việt Nam và Hàn Quốc đã hợp tác xây dựng Dự án Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Ngoài ra, Chính phủ mới cũng nên đưa ra các chính sách ưu đãi đối với những công ty khởi nghiệp (startup). Hồi năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện mong muốn phát triển hơn 7.000 startup trong nhiệm kỳ 2016-2021. Trong vòng 5 năm qua, rất nhiều startup đã mọc lên.

Người trẻ Việt Nam rất tài năng và ham học hỏi. Nếu Chính phủ mới tiếp tục khuyến khích dòng vốn từ nhà nước, tư nhân và các tổ chức tài chính chảy vào startup, Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đối với các tổ chức tài chính, chỉ cần một vài trong số 100 startup được rót vốn trở thành unicorn (công ty khởi nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD), nhà đầu tư đó đã thành công.

- Vậy các doanh nghiệp Hàn Quốc có đóng góp gì vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển công nghệ của Việt Nam, thưa ông?

- Samsung đang xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (Trung tâm R&D) lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội. Đáng nói, các trung tâm nghiên cứu của Samsung chủ yếu được đặt ở những quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tập đoàn đã quyết định xây dựng Trung tâm R&D tại Hà Nội với quy mô nhân lực lên đến 3.000 người.

Ngoài Samsung, nhiều công ty Hàn Quốc tại Việt Nam cũng có những trung tâm R&D riêng. Điều đó cho thấy doanh nghiệp Hàn Quốc rất coi trọng thị trường, đất nước và nguồn nhân lực của Việt Nam. Một phần nguyên nhân là dân số Hàn Quốc khá ít, chúng tôi cần tới lực lượng lao động dồi dào, tài năng và trẻ trung của đất nước các bạn.

Chúng tôi cũng sử dụng 99% lao động Việt Nam. Những người lao động này sẽ không làm việc cho các doanh nghiệp Hàn Quốc mãi. Họ có thể học hỏi, rút kinh nghiệm, sau đó khởi nghiệp và áp dụng những bài học đó cho công ty của riêng mình.

Trung tâm R&D mới có quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD với tổng diện tích xây dựng là 11.603 m2.

- Ông đánh giá thế nào về tương lai của mối quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc dưới nhiệm kỳ của Chính phủ mới, thưa ông?

- Năm sau, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Suốt 29 năm qua, mối quan hệ ngày càng tốt đẹp từ kinh tế - thương mại đến chính trị - văn hóa.

Hàn Quốc và Việt Nam cũng có "mối quan hệ thông gia". Rất nhiều người Việt sang Hàn Quốc kết hôn và sinh con, trong khi không ít người Hàn đến Việt Nam để sinh sống, làm việc và lập gia đình.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng ngày càng quan tâm đến Việt Nam, trong khi nhiều người Việt Nam sang Hàn Quốc khởi nghiệp và đóng góp vào mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai quốc gia.

Sau khi đường bay giữa Việt Nam và Hàn Quốc được bình thường hóa, tôi tin rằng du khách Hàn Quốc sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể vào ngành du lịch của Việt Nam. Hồi năm 2019, 4,3 triệu du khách Hàn Quốc - tức gần 10% dân số Hàn Quốc - đã tới Việt Nam.

Bản thân tôi cũng đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam từ năm 1994. Sống tại Việt Nam lâu hơn ở Hàn Quốc, cuộc sống của tôi tại Việt Nam thậm chí còn thoải mái, thuận tiện hơn ở quê nhà. Tôi có thể nói rằng bản thân sẵn sàng gắn bó với đất nước này đến cuối đời.

Nguồn: zingnews

Chia sẻ nội dung:
0868255888