Tin tức

Tin tức

Doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng nhờ M&A

Doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng nhờ M&A

Giai đoạn 2019 - 2020, giá trị M&A do doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua chiếm trên 30% tổng giá trị M&A được thực hiện. Tỷ lệ này gấp gần 3 lần so với con số năm 2018.

Có 4 yếu tố dẫn tới sự gia tăng đột biến này. Thứ nhất, sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam và mức tích lũy vốn của họ đã đủ lớn cho những đợt mở rộng. Muốn tăng trưởng doanh thu, vươn ra biển lớn, tiếp cận thị trường vốn và cơ hội kinh doanh quốc tế sâu rộng hơn nữa, thì tăng trưởng doanh thu, quy mô là điều quan trọng. M&A là một trong những cách để thực hiện điều đó nhanh nhất, đồng thời tạo tiếng vang với giới truyền thông. Vừa mở rộng kinh doanh, vừa quảng bá hình ảnh - một công đôi việc.

Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế của giai đoạn trước, một số tập đoàn kinh tế vay nợ lớn và đầu tư rủi ro cao, dẫn đến lâm vào khó khăn tài chính. Thực tế đó cộng thêm tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra những cơ hội định giá hấp dẫn, khiến các tập đoàn lớn có tình hình tài chính vững mạnh có thể thực hiện những thương vụ thâu tóm đầy tiềm năng. Ví dụ, Thaco chính thức tiếp quản Hoàng Anh Gia Lai Agrico, hay Nova Group đã chi gần 1 tỷ USD để thực hiện các thương vụ M&A trong năm 2020.

Thứ ba, các thương vụ M&A còn là kết quả tái cấu trúc của một số tập đoàn trước những biến động của thời cuộc. Có tập đoàn muốn “giảm cân” để chạy cho nhanh, tập trung vào một số lĩnh vực cốt lõi mới, còn tập đoàn khác thì muốn thâu tóm thêm thành viên vào trong hệ sinh thái của mình cho đầy đủ, mà điển hình là thương vụ Masan Group mua lại Vincommerce và VinEco.

Thứ tư, không thể thiếu sự lạc quan với nền kinh tế Việt Nam. Nếu Covid-19 tạo ra quá nhiều khó khăn, nếu nền kinh tế không có sự tăng trưởng ổn định bất chấp dịch bệnh và rủi ro địa chính trị toàn cầu như thương chiến Mỹ - Trung, thì có lẽ các doanh nghiệp sẽ không mạnh tay thâu tóm và sáp nhập. Chính sự lạc quan vào triển vọng kinh tế Việt Nam đóng vai trò chất xúc tác quan trọng trong những quyết định mở rộng thông qua các thương vụ M&A.

Ngoài những yếu tố trên, có thể kể đến một số đồn đoán về chuyện một vài doanh nghiệp Việt “đứng tên mua giúp” cho công ty nước ngoài, cũng góp phần làm tăng số lượng M&A do công ty Việt Nam là bên mua. Nhưng cũng không thể kết luận được rõ ràng vì không có gì đảm bảo là giai đoạn 2018 hay trước đó không có tình trạng tương tự, trong khi nhiều thương vụ đình đám thì rõ ràng là người Việt bán cho người Việt.

Các đại công ty hình thành nhờ M&A

Xu thế phát triển các công ty tư nhân qua các thương vụ M&A đã diễn ra từ lâu trên thế giới. Ví dụ rõ ràng nhất là các "ông trùm tiền mặt” như Apple và Google đã tiến hành nhiều vụ thâu tóm và sáp nhập. Chẳng hạn, tháng 2/2021, CEO của Apple là Tim Cook cho biết, Công ty đã thâu tóm khoảng 100 công ty trong vòng 6 năm qua. Nếu chia bình quân thì cứ khoảng 3 - 4 tuần, Apple lại mua một công ty!

Theo CEO Apple, mục tiêu của hoạt động M&A là để thâu tóm công nghệ và nhân tài về công ty mình. Chẳng hạn, việc thâu tóm ứng dụng nhận diện bài hát qua giai điệu Shazam sẽ củng cố hoạt động của mảng nhạc số cũng như công nghệ nhận diện âm thanh, trong khi việc mua lại Drive.ai là nhắm vào mảng xe tự lái và trí tuệ nhân tạo.

Hay mua lại những công ty trong lĩnh vực sự kiện thực tế ảo và thanh toán giúp củng cố tham vọng tạo lập một hệ sinh thái trong chiếc điện thoại của Apple. Thứ mà họ thu về không chỉ là công nghệ, bằng sáng chế mà còn là những nhân tài góp phần tạo ra và vận hành các ứng dụng đó.

Khi các công ty có nhiều tiền mặt như Apple hoặc Google, hoặc có lợi thế đặc biệt trong tiếp cận thị trường vốn, các công ty này sẽ phát triển nhanh thông qua các thương vụ thâu tóm và trở thành các đại công ty.

Tuy nhiên, vấn đề cũng bắt đầu từ đây.

Các công ty có trở nên quá lớn?

Năm 2018, tờ New York Times đã chạy bài viết: “Các công ty có trở nên quá lớn?”. Bài báo này chỉ ra các đại công ty có thể đầu tư vào nhiều lĩnh vực và trở nên rất quyền lực. Quy mô lớn của các công ty này có thể tốt, nhưng cũng có thể xấu cho xã hội.

Một mặt, công ty quá lớn tạo ra lợi ích kinh tế nhờ quy mô, phát triển thành các mũi nhọn công nghiệp của quốc gia. Mặt khác, một số mũi nhọn công nghiệp ít ỏi và tập trung vào một vài công ty tạo ra nỗi lo về độc quyền và trên hết là cả nền kinh tế dễ bị tổn thương nếu các mũi nhọn này đi vài bước cờ sai.

Thậm chí, ngay cả trong trường hợp công ty đi đúng hướng, những đại công ty với quyền lực quá lớn về thị trường và nguồn tài chính cũng có thể hạn chế sự phát triển và đổi mới xuất phát từ những công ty nhỏ và ít cồng kềnh hơn.

Đến nay thì sự chỉ trích độc quyền và lạm quyền của nhiều nước với những công ty như Facebook, Amazon, Apple, Google và Microsoft đã nổi lên khá rõ ràng. Sự lớn mạnh thông qua thâu tóm, sáp nhập và tận dụng sức mạnh của các nền tảng được cho là độc quyền của các công ty này đã tạo ra một sự lo ngại ở nhiều nước.

Để tránh tình trạng đó, chính phủ cần đi trước một bước trong những chiến lược phát triển doanh nghiệp tư nhân của mình, một mặt đảm bảo sự hình thành của các mũi nhọn công nghiệp và công nghệ mới tư nhân, thay cho những quả đấm thép thua lỗ nhiều nghìn tỷ đồng.

Sự linh hoạt của kinh tế tư nhân là rõ ràng, vì họ có thể thích nghi nhanh, quyết đoán với tình hình không ngừng thay đổi về địa chính trị, công nghệ, xu hướng tiêu dùng, dân số và biến đổi khí hậu của thế giới.

Nhưng do bàn tay vô hình của thị trường có thể khuyến khích công ty tư nhân trở nên quá lớn và gây ra những rủi ro nhất định, hoặc không đem lại lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế, cần một khuôn khổ do bàn tay hữu hình của Nhà nước vạch ra những lằn ranh đỏ.

Những lằn ranh đỏ đó là gì? Là Nhà nước có thể can thiệp vào một thương vụ M&A nếu cảm thấy nó gây tổn hại đến tính cạnh tranh trên thị trường. Là có thể không đồng ý một thương vụ M&A nếu nó gây nguy hại lợi ích chung của công chúng.

Nhưng Nhà nước không thể chỉ cấm cản, mà cũng phải tạo ra những điều kiện để doanh nghiệp tư nhân có thể yên tâm rằng nếu họ không đạp lên những lằn ranh đỏ đó, họ có thể thoái mái vẫy vùng. Vì vậy, những khuôn khổ pháp lý cần được công bố rõ ràng, tránh chuyện bán tài sản rồi đòi lại, thương vụ ký rồi lại phải hủy.

Cần phải thấy rõ ràng, bên cạnh nguy cơ một doanh nghiệp Việt có thể trở thành đại doanh nghiệp quá lớn mà một số người lo sợ, thì cũng có một nguy cơ khác, đó là các doanh nghiệp nước ngoài cũng trở nên quá quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Ở thời điểm này, không nên đặt ra một chiếc áo quá hẹp cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong các hoạt động M&A, mà lại để rộng cửa quá về mặt chính sách và ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI.

Nói cách khác, hiện tại cần một khuôn khổ luật pháp và định hướng chính sách rõ ràng cho các hoạt động M&A ở Việt Nam, nhưng không theo kiểu siết quá chặt những lằn ranh màu đỏ, mà để nó đủ rộng cho các doanh nghiệp tư nhân lớn lên và khuyến khích hình thành nhiều, chứ không phải chỉ một vài tập đoàn mũi nhọn công nghiệp tư nhân để đảm bảo không có một vài tập đoàn quá lớn để sụp đổ.

Nguồn: tinnhanhchungkhoan

Chia sẻ nội dung:
0868255888