Tin tức

Tin tức

Dòng tiền đổ về bất động sản du lịch Ninh Thuận

Dòng tiền đổ về bất động sản du lịch Ninh Thuận
Được đánh giá là "vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á", cùng với nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch cao, Ninh Thuận đã và đang lọt vào tầm ngắm của nhiều ông lớn bất động sản.

Nhiều tiềm năng chờ đánh thức



Ninh Thuận được biết đến không chỉ là vùng đất đầy nắng và gió, với nhiều đặc sản nổi tiếng như rượu nho, dê, cừu, hay nhiều món ăn mang đậm tính chất dân dã, mà còn là vùng đất đầy tiềm năng phát triển du lịch.

Nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, Ninh Thuận sở hữu bờ biển dài 105 km và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Ninh Chữ - Bình Sơn, Cà Ná, Bình Tiên, vịnh Vĩnh Hy, Vườn quốc gia Núi Chúa, Phước Bình... Dọc bờ biển từ An Hải đến Mũi Dinh có rất nhiều đồi cát rộng, đẹp sát biển, nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh có quy mô lớn.

Ngoài ra, Ninh Thuận đang sở hữu nhiều công trình kiến trúc cổ Chăm-pa, nhiều làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm và làm đồ gốm. Chính nhờ sở hữu nhiều lợi thế để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, nên Ninh Thuận được các chuyên gia đánh giá là “mỏ vàng” trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.


Với nhiều lợi thế sẵn có, Ninh Thuận ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Số liệu thống kê của UBND tỉnh Ninh Thuận cho thấy, năm 2018, Ninh Thuận đã đón 2,19 triệu lượt khách du lịch, tăng 15,2% so với năm 2017. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2017 và vượt 5% so kế hoạch đề ra. Năm 2019, Ninh Thuận đặt mục tiêu đón 2,35 triệu lượt du khách, trong đó 100.000 lượt khách quốc tế, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch hơn 1.150 tỷ đồng.

Các chuyên gia bất động sản cho rằng, sự phát triển của du lịch Ninh Thuận đã có những tác động tích cực đến thị trường bất động sản ở địa phương. Một số khu đô thị mới tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm đã được nhiều nhà đầu tư quan tâm triển khai. Đồng thời, địa phương này đã từng bước hình thành và phát triển quỹ nhà ở xã hội, giải quyết một phần nhu cầu nhà ở dành cho các đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, bên cạnh việc phát triển năng lượng sạch, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong nhiều năm tới. Với mục tiêu này, Ninh Thuận đã đưa ra chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp nằm trong khung cao nhất cả nước nhằm thu hút đầu tư. Để đẩy mạnh du lịch cao cấp, Ninh Thuận còn có chính sách ưu tiên kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển; khách sạn tiêu chuẩn quốc tế… theo hướng xanh và bền vững.

“Việc phát triển du lịch theo định hướng giữ gìn nét mộc mạc và hoang sơ của Ninh Thuận là cơ sở để chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư”, ông Vĩnh nhấn mạnh.

Bên cạnh những lợi thế sẵn có và những chính sách ưu đãi nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng kết nối vùng và các địa phương trong khu vực của Ninh Thuận cũng đã cơ bản hoàn thiện. Chẳng hạn, sau khi Sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế tháng 12/2009, Ninh Thuận đã triển khai dự án đường ven biển dài 116 km từ Bình Tiên đến Cà Ná. Ngoài ra, dự án nâng cấp đường Quốc lộ 1 kết nối từ Sân bay Cam Ranh đến TP. Phan Rang - Tháp Chàm cũng đang được triển khai.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng đang triển khai 2 dự án trọng điểm phát triển hạ tầng đô thị song song với phát triển kinh tế gồm Khu đô thị mới Đông Bắc (Khu K1) và Khu đô thị biển Bình Sơn Ninh Chữ. Những dự án này khá đa năng, khi có nhiều sản phẩm bất động sản, từ đất nền đô thị, khu phức hợp văn phòng, khách sạn, khu thương mại, biệt thự nghỉ dưỡng...

Chưa kể, về lâu dài, khi tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ TP.HCM đi Nha Trang hoàn thành, giúp Ninh Thuận tiếp tục kết nối tốt hơn với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Trung, với các thị trường lớn trong cả nước.

Doanh nghiệp đón sóng đầu tư

Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, Ninh Thuận sẽ quy hoạch phát triển kinh tế địa phương tập trung vào chiến lược “kiềng ba chân”, gồm du lịch, năng lượng sạch và bất động sản. Trong đó, bất động sản trở thành lĩnh vực phát triển chủ lực, tạo quỹ đất lớn chuẩn bị cho nhiều dự án đầu tư vào địa phương, với các phân khúc như khu đô thị hiện đại ven biển, nhà ở cho thuê, căn hộ kết hợp khách sạn... Đặc biệt, những năm gần đây, Ninh Thuận đã thu hút và triển khai thành công nhiều dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng.

Các chuyên gia cho rằng, đây là sự phát triển tất yếu của thị trường, bởi tiềm năng du lịch của địa phương được đánh giá là “mỏ vàng trên sa mạc”, khi những tiền năng này mới được đánh thức và khai thác đúng mục tiêu.

tổ hợp dự án Sunbay Park Hotel & Resort Phan Rang

Hơn nữa, trong bối cảnh lượng khách du lịch đến với Ninh Thuận ngày càng đông, kéo theo nhu cầu nhà ở và nghỉ dưỡng ngày một tăng, đã tạo động lực cho sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn.

Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, có thể kể đến Dự án Resort Spa nho, Dự án du lịch Bãi Thùng, Dự án Khu du lịch Bình Tiên, Dự án Khu du lịch sinh thái Resort Ganesa Ninh Thuận, Khu đô thị biển Bình Sơn Ninh Chữ và Dự án Khu đô thị mới Đông Bắc...

Đặc biệt, trong quý I/2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án du lịch nghỉ dưỡng, tổ hợp khách sạn, căn hộ du lịch với tổng vốn hơn 5.550 tỷ đồng.

Đó là Dự án Tổ hợp khách sạn khu thương mại, căn hộ du lịch Dubai Tower tại phường Mỹ Hải (TP. Phan Rang – Tháp Chàm) do Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Dubai làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.009 tỷ đồng. Dự án thứ hai là Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận của Công ty TNHH Đầu tư - Phát triển Royal Ninh Thuận tại xã Phước Diên (huyện Thuận Nam) với vốn đăng ký đầu tư là 2.000 tỷ đồng. Dự án thứ ba là Dự án Khu resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực do Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Ninh Thuận với tổng vốn đăng ký đầu tư 550 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã đồng ý phương án quy hoạch kiến trúc tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort quy mô 3.300 phòng khách sạn 5 sao cùng công viên nước sát cạnh Công viên Bình Sơn và Tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay quy mô 3.600 phòng với khu phố thương mại, công viên chuyên đề ở cửa biển Ninh Chữ. Cả hai dự án do Tập đoàn Crystal Bay làm chủ đầu tư.

Theo phân tích của các chuyên gia, sự xuất hiện làn sóng đầu tư của các ông lớn bất động sản nhảy vào Ninh Thuận đã thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, anh Phước, giám đốc của một sàn môi giới tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, thị trường bất động sản Ninh Thuận trong thời gian gần đây diễn ra khá sôi động. Khách hàng chủ yếu quan tâm đến phân khúc đất nền dự án ven biển. Giá đất cũng tăng mạnh, dao động trung bình ở mức 20 - 25 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

“Tại TP. Cam Ranh (Nha Trang), hay Bình Thuận, quỹ đất đã hạn hẹp nên các nhà đầu tư có xu hướng tìm về Ninh Thuận để săn đất. Thị trường Ninh Thuận chủ yếu là nhà đầu tư ngoại tỉnh đổ về. Chưa kể, dọc bờ biển, một số doanh nghiệp địa ốc đã bắt đầu xây dựng resort, condotel, chung cư cao tầng... kéo theo giá đất ven biển tăng”, anh Phước đánh giá.

Nguồn: Báo Đầu Tư Bất Động Sản

Chia sẻ nội dung:
0868255888