Tin tức

Tin tức

Hướng tới một Nha Trang xanh, phát triển bền vững

Hướng tới một Nha Trang xanh, phát triển bền vững

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa có thông báo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác lập quy hoạch tỉnh tại buổi làm việc với các đơn vị tư vấn nghe báo cáo Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040. Thường trực BCĐ thống nhất về tầm nhìn đưa Khánh Hòa trở thành “một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch”.

Nhiều mục tiêu lớn

Trên cơ sở tầm nhìn quy hoạch tỉnh, Thường trực BCĐ đề nghị Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị tư vấn) cần xác định rõ tầm nhìn, định hướng phát triển và các ý tưởng đột phá có tính khả thi cao trong việc điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang và đề xuất các giải pháp hiệu quả để hiện thực hóa được tầm nhìn đó. Trong đó, cần xác định rõ TP. Nha Trang phải thật sự trở thành nơi “đáng sống, làm việc và du lịch” có môi trường xanh, sạch và phát triển bền vững, có dịch vụ đa dạng, du lịch đẳng cấp, là trung tâm nghiên cứu sáng tạo của cả nước và khu vực.

Xây dựng nhà cao tầng ven sông là một nét quy hoạch mới cho TP. Nha Trang.

Thường trực BCĐ yêu cầu không chỉ giới hạn ở địa giới hành chính TP. Nha Trang, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu định hướng mở rộng không gian phát triển kết nối đến huyện Diên Khánh và phía nam thị xã Ninh Hòa. Trường hợp phạm vi lập quy hoạch bị hạn chế bởi nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đề nghị Công ty TNHH McKinsey & Company phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nghiên cứu, đề xuất phương án kết nối hiệu quả giữa quy hoạch TP. Nha Trang với huyện Diên Khánh và phía nam thị xã Ninh Hòa vào quy hoạch tỉnh.

Ngoài ra, điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang phải gắn với định hướng, mục tiêu, tiêu chí để đưa Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Trong đó, làm rõ quy mô tăng dân số gắn với mục tiêu thu hút đầu tư các dự án đô thị, bất động sản đẳng cấp, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất; tất cả phải gắn với phân bố không gian phát triển hài hòa, hợp lý theo hướng mở rộng không gian phát triển về phía bắc của thành phố (xã Vĩnh Lương, núi Cô Tiên), kết nối với khu vực phía nam thị xã Ninh Hòa (đầm Nha Phu) và mở rộng không gian phát triển về phía tây Nha Trang (khu vực đồi núi). Các đơn vị tư vấn phải phân tích kỹ các nguy cơ về vấn đề môi trường của TP. Nha Trang hiện nay như: Chỉ tiêu về mật độ cây xanh trong đô thị thấp, rạn san hô suy giảm, hệ thống kè dọc sông chưa đảm bảo…; đồng thời dự báo vấn đề môi trường trong tương lai. Từ đó, đề xuất phương án giải quyết hiệu quả, hướng đến tầm nhìn xây dựng Nha Trang - Khánh Hòa trở thành “thành phố xanh” và phát triển bền vững.

Thống nhất di dời ga Nha Trang

Thường trực BCĐ cũng yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, tính toán quy hoạch khoa học, hợp lý mạng lưới giao thông theo hướng đô thị thông minh, bảo đảm thông suốt, thuận lợi cho sự phát triển của TP. Nha Trang trong tương lai. Trong đó, thống nhất di dời Ga Nha Trang ra khỏi nội thành để thực hiện việc quy hoạch và xây dựng phương án bảo tồn, sử dụng ga sau khi di dời một cách hợp lý; không quy hoạch Bến du thuyền quốc tế ở phía bắc thành phố (cuối đường Phạm Văn Đồng) như đề xuất của đơn vị tư vấn vì đã quy hoạch 1 vị trí ở phía nam thành phố và khu vực phía bắc hiện đã có bến du thuyền đang triển khai. Đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, tính toán bổ sung quy hoạch bến du thuyền đẳng cấp quốc tế tại khu vực đảo Hòn Tre do có vị trí và điều kiện thuận lợi hơn.

Quy hoạch giao thông thành phố phải gắn với việc quy hoạch hệ thống giao thông công cộng một cách khoa học, bài bản, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đối với quy hoạch hệ thống các trục đường giao thông chính đô thị (đông - tây, bắc - nam), cần nghiên cứu, tính toán kỹ để đề xuất được phương án đột phá, sát với tình hình thực tế và gắn với thu hút đầu tư tư nhân để có tính khả thi cao.

Về quy hoạch xây dựng, không gian kiến trúc, Thường trực BCĐ yêu cầu đơn vị tư vấn phải nghiên cứu quy hoạch các công trình điểm nhấn ở một số khu vực, định hướng về mặt kiến trúc của công trình bảo đảm đẹp, độc đáo, mới lạ, đậm bản sắc để tạo nét riêng cho TP. Nha Trang; nghiên cứu không chỉ quy hoạch xây dựng nhà cao tầng “hướng biển” mà còn quy hoạch nhà cao tầng dọc ven sông. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch nhằm khai thác hiệu quả các khu đô thị ở khu vực núi (trừ các khu vực có nguy cơ sạt lở và các khu vực không được phép xây dựng). Đơn vị tư vấn cần lưu ý hạn chế thấp nhất việc quy hoạch các khu đô thị không bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đi kèm, không thu hút được người dân đến sinh sống.

Về quy hoạch phân khu của TP. Nha Trang, Thường trực BCĐ yêu cầu đơn vị tư vấn thực hiện các nhiệm vụ sau: Khoanh vùng lại các khu vực nội thị của thành phố không có khả năng điều chỉnh quy hoạch; khu vực sân bay Nha Trang là khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch; khu vực đảo Hòn Tre và các đảo lân cận là khu du lịch đẳng cấp gắn với bến du thuyền quốc tế lớn; khu vực phía bắc của thành phố phát triển các khu đô thị mới gắn với du lịch biển, giải trí kết hợp với khai thác tiềm năng du lịch sinh thái của đầm Nha Phu; khu vực phía tây tiếp giáp với các địa phương khác cần nghiên cứu khảo sát quy hoạch khu đô thị, khu du lịch sinh thái mang tính bền vững; các khu nghiên cứu, giáo dục, khu bảo tồn thiên nhiên... Bên cạnh đó, phải nghiên cứu tổ chức không gian đô thị ven sông (sông Cái, sông Quán Trường) với tầm nhìn mới, ý tưởng đột phá, táo bạo nhằm khai thác hiệu quả cảnh quan, không gian ven sông.

Nguồn: baokhanhhoa

Chia sẻ nội dung:
0868255888