5 năm tới, Khánh Hòa cần hơn 111.500 tỷ đồng đầu tư các công trình trọng điểm để phát triển đô thị, thu hút đầu tư, nâng chất lượng sống người dân.
Nội dung này được Sở Xây dựng đề cập trong kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là tiền đề để Khánh Hòa lên thành phố trực thuộc Trung ương như kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Đại lộ Võ Nguyên Giáp dài 10 km, vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, nối Nha Trang với huyện Diên Khánh, hoàn thành năm 2018.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa Trần Nam Bình cho biết trong tổng vốn đề xuất, hơn 48.200 tỷ đồng ngân sách đầu tư công sẽ phân về cho các địa phương. Trong đó, nhiều nhất là TP Nha Trang gần 15.000 tỷ đồng; TP Cam Ranh hơn 2.100 tỷ đồng; thị xã Ninh Hòa hơn 530 tỷ đồng, tiếp theo là huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và Vạn Ninh... Hơn 63.000 tỷ đồng còn lại sẽ được tỉnh huy động từ tài trợ nước ngoài, nhà đầu tư và xã hội hóa.
"Sắp tới UBND tỉnh sẽ có những chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn bên ngoài", ông Bình nói.
Các dự án trọng điểm được ưu tiên thực hiện thời gian tới, gồm: 3 bệnh viện (đa khoa, ung bướu, y học cổ truyền) gần 1.100 tỷ đồng; bảo tàng tỉnh 470 tỷ đồng; dự án hạ tầng kết hợp quản lý rủi ro thiên tai hơn 4.600 tỷ đồng; dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải hơn 1.600 tỷ đồng; đập ngăn mặn sông Cái gần 760 tỷ đồng; hồ điều hòa phía bắc Nha Trang gần 300 tỷ đồng...
Một góc TP Nha Trang, giáp biển nhìn từ trên cao
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Dần cho biết, 5 năm tới hạ tầng đô thị và dân cư ở tỉnh sẽ tăng cao. Do đó nhiều công trình giao thông cũng được đầu tư, xây mới đáp ứng nhu cầu phát triển, như: Đường vành đai núi Sạn vốn đầu tư 195 tỷ đồng; mở rộng đường Ngô Đến vốn hơn 210 tỷ đồng; dự án đèn chiếu sáng TP Nha Trang 200 tỷ đồng; cầu qua sông Kim Bồng hơn 130 tỷ đồng; đường gom qua Nha Trang hơn 216 tỷ đồng; kè sông Cái khoảng 500 tỷ đồng...
Theo ông Dần, việc đẩy tiến độ các dự án giao thông ngoài đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị ở tỉnh, còn giúp thu hút đầu tư, phát huy thế mạnh 3 vùng kinh tế trọng điểm: Nha Trang, vịnh Cam Ranh và khu kinh tế Vân Phong. Thời gian tới tỉnh sẽ đẩy nhanh hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam; tỉnh lộ 3, tỉnh lộ 2, đường D30...
Khánh Hòa rộng hơn 5.100 km2, khoảng 1,2 triệu dân. Tỉnh giàu tiềm năng phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, cũng là trung tâm văn hóa - kinh tế của vùng Nam Trung Bộ. Giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Khánh Hòa xếp thứ 24 trên 63 tỉnh thành. Năm 2021, ngành du lịch đề ra mục tiêu đạt doanh thu 17.500 tỷ đồng, đón trên 5 triệu lượt khách.
Nguồn: vnexpress