Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; tạo cơ hội thu hút nguồn lực để có sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc tại Khánh Hòa ngày 13/3.
Cần cơ chế đặc thù để phát triển đột phá
Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều phát triển. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, nhưng tỉnh vẫn có 13/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 14.109,2 tỷ đồng, bằng 102,6% so với dự toán, bằng 102,1% so với năm 2020.
Tuy nhiên, sự phát triển của tỉnh trong những năm qua chưa có nhiều đột phá. Công tác lập quy hoạch và tổ chức thực hiện các quy hoạch chất lượng chưa cao. Phát triển đô thị còn nhiều bất cập, kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, trật tự xây dựng tại một số địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đến nay, tỉnh chưa tận dụng được tiềm năng, lợi thế để phát triển bứt phá, chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân, động lực phát triển của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên…
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa Khu Kinh tế Vân Phong vào ngày 12/3.
Tháng 1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 với NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Để phục hồi kinh tế trong bối cảnh bình thường mới, tạo điều kiện cho tỉnh hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ xem xét, sớm ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 và trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp cho tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét chấp thuận chủ trương cho phép lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần TP. Cam Ranh với mục tiêu phát triển thành một đô thị theo mô hình đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; giao cho UBND tỉnh được tổ chức lập quy hoạch, gửi Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định.
Các tổ hợp công nghiệp ven biển tại Khu Kinh tế Vân Phong.
Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ các bộ ngành liên quan đồng ý chủ trương cho phép xây dựng 1 cảng hàng không chuyên dụng ở khu vực phía Bắc Khu Kinh tế Vân Phong và đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3 Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; bổ sung quy hoạch điện khí LNG và điện gió ngoài khơi vào Quy hoạch Điện VIII; đầu tư các dự án về năng lượng; một số chính sách về khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án BT và an ninh quốc phòng.
Phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao tiềm năng kinh tế biển của Khánh Hòa. Nhiều đại biểu nhận định rằng nếu được đầu tư đúng mức và có những chính sách phù hợp thì trong tương lai không xa, Khánh Hòa trở thành một trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị Khánh Hòa cần đẩy mạnh phát triển về vận tải biển, nhất là ở khu vực Vân Phong; kết nối, khai thác lợi thế kinh tế theo các trục giao thông Bắc - Nam, Buôn Ma Thuột - Vân Phong, Nha Trang - Đà Lạt. Sắp tới đây, khi dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong được xây dựng, các tỉnh Tây Nguyên sẽ đẩy mạnh giao thương thông qua các cảng biển ở Vân Phong, ngay từ bây giờ phải có sự chuẩn bị để Ninh Hòa trở thành trung tâm logistics với các cảng biển ở Nam Vân Phong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tiềm năng phát triển kinh tế của huyện Cam Lâm ngày 12/3.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thế giới đánh giá rất cao về lợi thế cảng nước sâu ở Vân Phong. Khánh Hòa cần phải đẩy mạnh việc thực hiện các dự án BT, tận dụng đất đai làm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế; bên cạnh đó, tỉnh cũng cần phải tính toán cơ cấu kinh tế để thích ứng với Covid-19; cần thu hút các nhà đầu tư lớn vào khu vực phía Bắc và phía Nam Nha Trang để tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn tăng sức cạnh tranh cho du lịch Khánh Hòa; quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế xanh; chú trọng phát triển kinh tế kết hợp an ninh quốc phòng…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong thời gian tới, Khánh Hòa cũng cần chú trọng đến công nghiệp sạch công nghiệp điện tử và công nghiệp hoá chất cơ bản. Lĩnh vực xuất khẩu và thương mại điện tử cũng sẽ là thế mạnh của Khánh Hoà nếu biết tận dụng hết điều kiện đang có. Đối với năng lượng, cần phải hạn chế điện khí, đẩy mạnh điện gió, đặc biệt Khánh Hòa cần phát triển năng lượng tái tạo, hướng đến trở thành trung tâm năng lượng sạch để phục vụ cho sự phát triển của cả quốc gia chứ không phải chỉ phục vụ địa phương.
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa và giao cho các bộ, ngành liên quan giải quyết. Để Khánh Hòa có thể phát triển vượt bậc trong những năm tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải phát huy mạnh mẽ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; mặt khác, phải tự tạo cơ hội mới để thu hút nguồn lực bên ngoài, từ thế giới cho phát triển. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh định hướng xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm trí tuệ, đổi mới sáng tạo toàn cầu, thu hút nguồn lực khoa học công nghệ, nguồn vốn và cách quản trị từ quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung và hoàn thành sớm công tác quy hoạch bám theo định hướng Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và Luật Quy hoạch. Quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, quy hoạch đi trước một bước, chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; tạo ra cơ hội mới để thu hút nguồn lực; tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn. Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ngay sau khi có quy hoạch phải dành nguồn lực để thực hiện, trước mắt ưu tiên nguồn lực xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá tại đây; tiếp tục vận động người dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa rà soát, cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn có tác động lan tỏa, lâu dài. Cơ cấu lại thu chi cho hợp lý trong bối cảnh ngân sách có hạn, nâng tỷ lệ đầu tư cho phát triển, nhất là cho các dự án hạ tầng chiến lược…
Khu vực Vân Phong, Cam Lâm có nhiều tiềm năng phát triển
Ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra thực địa một số khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.
Đoàn công tác đã đi thực địa khảo sát tiềm năng đầu tư dự án du lịch, công nghiệp công nghệ cao… ở khu vực Bắc Vân Phong. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá rất cao tiềm năng phát triển kinh tế của Khu kinh tế Vân Phong. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh của Khu Kinh tế Vân Phong, bên cạnh đầu tư ngân sách Nhà nước, cần phải có cơ chế đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư của các tập đoàn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước. Chính phủ sẽ cho cơ chế, tạo điều kiện thu hút đầu tư nhằm đưa Vân Phong có những phát triển vượt bậc. Thủ tướng cũng lưu ý liên quan tới các dự án bất động sản, phải tạo ra được việc làm thì mới có người đến làm việc, có người đến làm việc thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà. Địa phương cần phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu hút nhân lực đến làm việc và cư dân tới sinh sống… Tiếp đó, đoàn công tác của Thủ tướng đã đến khảo sát ở khu vực Nam Vân Phong, đến thăm Công ty TNHH Hyundai Việt Nam và dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1; nghe đơn vị tư vấn báo cáo sơ bộ về tính khả thi của dự án cao tốc Buôn Mê Thuột - Khánh Hòa…
Chiều 12/3, Thủ tướng cùng đoàn công tác Chính phủ tiếp tục khảo sát thực địa tại khu vực mà Tập đoàn Vingroup mong muốn triển khai dự án ở huyện Cam Lâm. Lãnh đạo Tập đoàn Vingroup đã báo cáo với Thủ tướng và các thành viên của đoàn công tác về ý tưởng đầu tư dự án đại đô thị tại Cam Lâm. Theo đó, khi dự án được triển khai sẽ biến vùng đất nông thôn, miền núi trở thành đô thị cao cấp mang đẳng cấp quốc tế. Nổi bật là trung tâm, trí tuệ toàn cầu, trung tâm y tế, giáo dục, cùng các dịch vụ nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp thuộc hàng đầu thế giới. Nếu được phê duyệt, đến tháng 6/2023 dự án khởi công và sau 2 năm hình hài của khu đô thị phức hợp sẽ thành hình.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh ý tưởng đầu tư của Tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, để dự án tạo được sự đồng thuận, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia và người dân về ý tưởng này. Nếu dự án được triển khai, cần phải tạo nên một đô thị xanh, thông minh, trở thành một trung tâm trí tuệ toàn cầu; tạo công ăn việc làm cho người địa phương. Đặc biệt, chủ đầu tư cần tạo ra hình mẫu về tái định cư, người dân phải có điều kiện sống cao hơn hẳn nơi ở cũ và đảm bảo sinh kế lâu dài. Bên cạnh đó, khu đô thị cần bảo tồn được không gian văn hoá trước đây. Về phía bộ ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải phối hợp với chủ đầu tư trong tiến hành các thủ tục sao cho đúng luật, tránh lợi ích nhóm, phiền hà; và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Nguồn: reatimes