Sở Giao thông vận tải (GTVT) Khánh Hòa đã thông qua chiến lược phát triển GTVT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm kết nối đồng bộ, liên hoàn. Chiến lược này sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, góp phần phục vụ tích cực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dự án nút giao thông Ngọc Hội đang được thi công.
Đầu tư nhiều công trình trọng điểm
Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh một số nội dung đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 để cụ thể hóa các mục tiêu đầu tư. Nhờ đó, những năm qua, ngành GTVT có bước phát triển vượt trội, đồng bộ về đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa và đường biển.
Đường ven biển và đường các tuyến đường chính trong khu Khu kinh tế Vân Phong.
Đến nay, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài khoảng 4.511km được phân bố tương đối hợp lý bao gồm quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện và đường xã. Về đường hàng không, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã từng bước được nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại, với việc đầu tư, đưa vào khai thác đường cất hạ cánh số 2 và nhà ga hành khách quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Năm 2019, lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đạt hơn 10 triệu người. Cùng với đó, hệ thống cảng biển của tỉnh cũng phát triển nhanh chóng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đưa vào khai thác 17 bến cảng biển và 1 khu chuyển tải dầu. Năm 2019, sản lượng thông qua các cảng biển đạt hơn 9,1 triệu tấn với hơn 5.400 lượt tàu. Song song đó, đường sắt (với 149,2km và 12 ga hỗn hợp) và đường thủy nội địa (với hơn 1.990km và 176 bến đường thủy nội địa) cũng được quan tâm, đầu tư đáp ứng nhu cầu vận tải trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Hiến - Trưởng phòng Quản lý chất lượng và an toàn giao thông, Sở GTVT cho biết, điểm nhấn trong quy hoạch GTVT đến năm 2020 của tỉnh là các dự án trọng điểm, mang tính động lực phát triển kinh tế - xã hội đã được đầu tư và đưa vào khai thác, tạo được tính kết nối. Có thể kể đến như: Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh dài 152km; 2 cầu vượt nút giao Quốc lộ 1 và Quốc lộ 1C; dự án BOT Quốc lộ 26, đường Võ Nguyên Giáp, đường Phong Châu, đường số 4 (TP. Nha Trang); đường vào Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, đường cải tuyến Tỉnh lộ 1B.
Cảng tổng hợp Bắc Vân Phong được đầu tư tạo động lực hoàn thiện, phát triển hệ thống cảng biển tỉnh.
Còn một số hạn chế
Quy hoạch GTVT tỉnh đến năm 2020 bên cạnh những điểm mạnh vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT đánh giá, trong các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch chung đô thị địa phương, nhiều quy hoạch chưa định hướng, chưa mang tính chất mở, khi phát sinh những công trình mang tính đột phá phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết mất nhiều thời gian lẫn cơ hội đầu tư. Quy hoạch GTVT tỉnh được duyệt cơ bản đầy đủ, nhưng chưa mang tính định hướng lâu dài (mạng lưới đường giao thông, giao thông tĩnh).
Ngoài ra, đối với các quy hoạch đô thị, quỹ đất dành cho phát triển giao thông tĩnh, giao thông công cộng chưa được quan tâm đúng mức, không đáp ứng được yêu cầu phát triển GTVT, ảnh hưởng đến việc đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Việc lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Nhu cầu huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch rất lớn nhưng nguồn lực của tỉnh còn hạn chế dẫn đến việc đầu tư các công trình giao thông chưa đảm bảo, hạ tầng giao thông đường bộ chưa theo kịp với sự gia tăng của các phương tiện, đặc biệt là phương tiện vận tải phục vụ khách du lịch. Một số dự án trọng điểm không bảo đảm tiến độ do vướng công tác bồi thường giải tỏa, các thủ tục đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, môi trường…
Đường Võ Nguyên Giáp (TP. Nha Trang).
Sẽ ưu tiên kết nối đồng bộ, liên hoàn
Chiến lược GTVT giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển. Các chương trình phát triển đô thị, chiến lược phát triển khu vực Vân Phong, chiến lược phát triển kinh tế biển… được phê duyệt, là cơ sở để định hướng phát triển ngành GTVT trong quy hoạch tỉnh. Các quy hoạch ngành quốc gia đang thực hiện các giai đoạn cuối cùng, làm cơ sở tiền đề để quy hoạch phát triển GTVT địa phương, là cơ sở định hướng phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ logistics để điều tiết hợp lý giữa các phương thức vận tải. Từ những đánh giá, phân tích về phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian qua sẽ được đúc kết, cập nhật trong quy hoạch tỉnh.
Thời gian tới, ngành GTVT xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ GTVT hoàn thiện quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không bảo đảm kết nối đồng bộ, liên hoàn; huy động mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông mang tính đột phá kết hợp đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có phục vụ tích cực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Dần cho biết, sở sẽ tích cực thực hiện tổ chức kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh với giao thông vùng và quốc gia bảo đảm sự đồng bộ; nghiên cứu xây dựng phương án kết nối giao thông đường bộ (bao gồm các nút giao khác mức, đường trên cao), đường sắt đô thị, đường hàng không sân bay kết nối đường đô thị với các trục đường lớn Đông - Tây, Bắc - Nam; kết nối giữa đường bộ, đường sắt với hệ thống cảng biển và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia và vùng. Đồng thời, định hướng quy hoạch di dời ga Nha Trang; định hướng lộ trình xây dựng hệ thống vận tải công cộng gắn kết chặt chẽ với các chỉ tiêu phát triển hệ thống giao thông tĩnh, giao thông thông minh, phát triển vận tải hành khách khối lượng lớn, vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics để điều tiết hợp lý giữa các phương thức vận tải.
Ngoài ra, sở tăng cường công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, tập trung các nguồn vốn để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh đạt chuẩn cấp đường bộ theo quy định của Bộ GTVT; xây dựng Trung tâm điều hành giao thông công cộng để quản lý, điều hành toàn bộ hệ thống giao thông công cộng trên toàn tỉnh bằng công nghệ thông minh…
Thời gian tới, ngành GTVT sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các dự án Trung ương đầu tư như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh, cầu Xóm Bóng. Các dự án đầu tư bằng ngân sách tỉnh như: Nút giao Ngọc Hội, các nút giao khu vực sân bay, đường Vành đai 2, Vành đai 3, Tỉnh lộ 3, Tỉnh lộ 2, đường D30, đường giao thông từ Quốc lộ 1 đi Đầm Môn, đường giao thông ngoài Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong…; đầu tư phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, mở rộng các cảng tổng hợp hiện có, các cảng chuyên dùng phục vụ vận tải hàng hóa; tiếp tục thực hiện đầu tư, xây dựng cảng Nha Trang theo hướng chuyển đổi công năng là cảng khách đầu mối du lịch quốc tế hiện đại; đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung trên địa bàn TP. Nha Trang nhằm hạn chế tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông nội thành.
Nguồn: baokhanhhoa