Đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị đã ảnh hưởng nặng nền tới kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, qua đó cũng tác động tới dòng chảy của vốn đầu tư tới các khu vực và ngành nghề.
KHỐI NGÂN HÀNG ĐẦU TƯ CTCK RỒNG VIỆT
Sau dịch Covid, các tập đoàn lớn chuyển đổi để đa dạng chuỗi t cung ứng với việc dịch chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút dòng vốn quốc tế: Dân số trẻ, nguồn lực lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi, môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế mở khi tham gia nhiều hiệp định thương mại.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn là địa chỉ được lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế. Trong năm 2022, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới đạt 27,72 tỷ USD, dù giảm so với năm 2021, nhưng vốn thực hiện lại tăng hơn 13%, lên mức kỷ lục mới 22,4 tỷ USD. Trong 10 tháng 2023, vốn đầu tư đăng ký mới đạt 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, trong đó dòng vốn đầu tư mua cổ phần và vốn góp thông qua hoạt động M&A tại Việt Nam vẫn sôi động trong nhiều lĩnh vực.
Ngoài lĩnh vực truyền thống là công nghiệp chế biến, chế tạo với các tên tuổi lớn như Samsung, LG, Foxconn, Pegatron, Luxshare, Goertek, Google..., Việt Nam cũng thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực khác như bất động sản, cảng biển, logistics, hàng tiêu dùng, y tế và chăm sóc sức khỏe, giáo dục, năng lượng tái tạo..
CÁC NGÀNH LIÊN QUAN TỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG G TIẾP TỤC HÚT VỐN
Việt Nam với dân số vàng, nên các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ liên quan tới người tiêu dùng với nhu cầu bền vững như sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm và đồ uống, bán lẻ, dược phẩm và chăm sóc y tế, giáo dục tiếp tục thu hút các nhà đầu tư để đầu tư trực tiếp hoặc M&A các doanh nghiệp Việt Nam.
Với gần 100 triệu người tiêu dùng, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng, phát triển lớn cho các doanh nghiệp quốc tế trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và thực phẩm - đồ uống (F&B). Nhu cầu tiêu dùng trong nội địa ngày càng tăng, cùng xu hướng đa dạng hóa sản phẩm, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô. Theo số liệu từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, doanh thu ngành F&B dự báo đạt giá trị khoảng 40 tỷ USD vào năm 2026 và doanh thu ngành hàng FMCG tại Việt Nam đạt khoảng 100 tỷ USD năm 2026 (Euromonitor). Đây sẽ là động lực chính thúc đẩy M&A tại các ngành hàng tiêu dùng và F&B. Một số thương vụ nổi bật như Nova F&B được đổi chủ sở hữu sang IN Holdings, Masan đầu tư vào Phúc Long, KIDO mua lại công ty sở hữu thương hiệu bánh bao Thọ Phát.
Bên cạnh ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ, ngành dược phẩm y tế luôn là lĩnh vực thu hút đầu tư, kể cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu khiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Đây là tiền đề để hệ thống y tế tư nhân tiếp tục phát triển và thị trường đầu tư bệnh viện Việt Nam sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ổn định ở mức 6,20% để đạt quy mô 11,2 tỷ USD vào năm 2028 (theo TechSci Research). Một số thương vụ nổi bật thời gian gần đây cho thấy xu hướng M&A của ngành vẫn đang rất mạnh mẽ, đặc biệt đến từ các tập đoàn y tế Singapore, gồm: Thomson Medical Group mua lại 100% cổ phần Bệnh viện FV (7/2023) với tổng giá trị lên tới 381,4 triệu USD, Tập đoàn Raffles Medical Group - RMG mua phần lớn cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tháng 10/2023. Trước đó là thương vụ Quỹ CVC mua 60% cổ phần tại công ty sở hữu hệ thống Bệnh viện Phương Châu (2022).
LOGISTICS VÀ NĂNG Đ LƯỢNG TÁI TẠO ĐANG LÀ XU HƯỚNG
Ngành logistics, cảng biển đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh mẽ nhất tại thị trường Việt Nam nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, sự ổn định về chính trị, xã hội, việc hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam và sự phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử. Với các lợi thế trên, Việt Nam được kỳ vọng trở thành “ngôi sao logistics” của châu Á trong thời gian tới.
Theo các đơn vị đánh giá xếp hạng uy tín, Việt Nam được xếp hạng thứ 43 về Chỉ số Hiệu quả logistics (2023) bởi Ngân hàng Thế giới và Top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, đứng thứ 4 Đông Nam Á bởi Agility (2023). Trong các năm gần đây, nhiều thương vụ M&A được thực hiện bởi các doanh nghiệp nước ngoài để mua lại các công ty nội địa.
Các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục quan tâm đầu tư các trung tâm logistics phân phối hàng hóa, chuỗi cung ứng lạnh. Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vừa qua, các nhà đầu tư lớn của Mỹ đang rất quan tâm tới các dự án hạ tầng logistics và cảng biển của Việt Nam, đặc biệt là các dự án cảng trung chuyển quốc tế. Hiện nay, hoạt động M&A giữa các doanh nghiệp trong nước trong ngành này cũng rất sôi động, ví dụ như trong năm 2023 là thương vụ Gemadept thoái toàn bộ vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ cho nhóm nhà đầu tư Việt Nam gồm Viconship, giúp đơn vị này trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng, chiếm 30% thị phần.
Đối với lĩnh vực hạ tầng năng lượng, nếu giai đoạn 2018 - 2021 chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ từ các nhà đầu tư Thái Lan (Super Energy, BGrim, Gulf, Banpu...) trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thì hiện nay, các nhà đầu tư Nhật Bản, Singapore và châu Âu đang rất chủ động tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực này, đặc biệt là các dự án điện gió, điện gió ngoài khơi, điện gió kết hợp sản xuất hydrogen.
DỊCH VỤ TÀI CHÍNH TIÊU DÙNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN LÀ ĐIỂM SÁNG
Trong lĩnh vực tài chính, phân khúc tài chính tiêu dùng đã, đang và tiếp tục trở thành điểm sáng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Điều này được đánh giá là có cơ sở với xu hướng gia tăng mạnh của tầng lớp trung lưu Việt Nam, dẫn tới nhu cầu đa dạng về sản phẩm tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự ra đời của các nền tảng Fintech cũng giúp tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân. Với nhiều triển vọng tích cực, ngành tài chính tiêu dùng tiếp tục cho thấy khả năng thu hút nguồn vốn ngoại mạnh mẽ, tiêu biểu là thỏa thuận chuyển nhượng 50% vốn của SHB tại SHB Finance cho Tập đoàn Krungsi (Thái Lan) hồi tháng 5/2023 và động thái đàm phán gần đây của một ngân hàng Thái Lan để mua lại Home Credit Việt Nam.
Trong các ngành Việt Nam có lợi thế thì ngành IT outsourcing (giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD) cũng đang thu hút sự quan tâm đầu tư và M&A mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện có hơn 530.000 nhân lực IT chất lượng cao với chi phí lao động cạnh tranh, đây là nguồn nhân lực quan trọng để phục vụ nhu cầu outsourcing ngày càng tăng từ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu. Bên cạnh đó, sự giảm giá của đồng yên gần đây đã thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm cơ hội M&A các doanh nghiệp IT outsourcing tại Việt Nam có thị trường Mỹ và châu Âu để mở rộng kinh doanh và đa dạng hóa nguồn khách hàng quốc tế.
Ngoài ra, theo xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong nước, thì M&A giữa các doanh nghiệp IT Việt Nam (phần mềm quản trị doanh nghiệp và dịch vụ IT) cũng đang và sẽ diễn ra sôi động trong thời gian tới. Các doanh nghiệp IT lớn như FPT, CMC, VNG và Misa cũng tích cực tìm kiếm các cơ hội M&A.
Nguồn: Tổng hợp