Tin tức

Tin tức

Lợi nhuận bất động sản công nghiệp bật tăng phi mã

Lợi nhuận bất động sản công nghiệp bật tăng phi mã

Những tháng đầu năm 2021 liên tục ghi nhận doanh thu cho thuê và chuyển nhượng bất động sản công nghiệp, giúp lợi nhuận của các nhà phát triển phân khúc này bật tăng “phi mã”.

Con cưng của thị trường

rong 5 tháng đầu năm 2021, các dự án đầu tư vào hệ thống khu công nghiệp của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc tiếp tục là những dự án công nghệ cao. Đáng chú ý là 3 dự án lớn của các tập đoàn công nghệ cao có tiếng trên thế giới, bao gồm dự án đặt tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) chuyên sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay với quy mô hơn 8 triệu sản phẩm/năm, dự kiến đi vào hoạt động trong quý III/2022; dự án công nghệ tế bào quang điện cũng tại Khu công nghiệp Quang Châu, với mục tiêu sản xuất tấm tế bào quang điện, quy mô công suất 3,5 triệu GW/năm; dự án đầu tư mở rộng tăng vốn thêm 750 triệu USD tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) của LG Display (Hàn Quốc).

Theo giải trình của Kinh Bắc, lợi nhuận hợp nhất quý I/2021 của doanh nghiệp này đạt 714,5 tỷ đồng, gần gấp 8 lần con số lợi nhuận sau thuế hợp nhất cùng kỳ năm ngoái là 94,2 tỷ đồng. Đòn bẩy lợi nhuận chủ yếu đến từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị.

Đây là mức lãi kỷ lục tính theo quý mà Kinh Bắc đạt được và cũng là quý ghi nhận chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, tiếp nối đà của năm 2020, đến từ việc doanh nghiệp điều chỉnh cập nhật tăng giá vốn cho khu công nghiệp, theo Savills Việt Nam.

Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất trong quý I/2021 đạt xấp xỉ 1.399 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, doanh thu về bất động sản và bất động sản đầu tư gần 1.052 tỷ đồng, tăng hơn 28%.

Sonadezi cũng công bố doanh thu quý I/2021 đạt 1.266 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng mảng kinh doanh khu công nghiệp mang về hơn 365 tỷ đồng. Cùng thời gian trên, Tân Tạo, IJC và Nam Tân Uyên và các doanh nghiệp khác thuộc nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp cũng đạt lợi nhuận cao.

Có thể nói, bất động sản công nghiệp vẫn là “con cưng” của thị trường, khi vẫn đang đà tăng trưởng tốt.

Khởi sắc theo tăng trưởng sản xuất

Báo cáo mới nhất được IHS Markit công bố đầu tháng 6 cho thấy, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo của Việt Nam trong tháng 5/2021 giảm xuống 53,1 điểm, từ mức 54,7 điểm trong tháng trước. Theo các số liệu thống kê chưa đầy đủ từ những người trả lời khảo sát IHS Markit thì đợt bùng phát Covid-19 lần này đã kìm hãm tăng trưởng cả về sản lượng và số lượng đơn hàng mới tại thời điểm giữa quý II/2021.

Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế IHS Markit đánh giá, những thách thức liên quan đến Covid-19 đã trở lại với lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 5. Tuy nhiên, các công ty kỳ vọng dịch bệnh có thể được kiểm soát nhanh chóng như những đợt trước. Niềm tin kinh doanh tuy có suy giảm, nhưng các công ty vẫn lạc quan về triển vọng trong 12 tháng tới.

Trên thực tế, những nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất đã giúp sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tính chung 5 tháng đầu năm 2021 ước tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm ngoái tăng 3,2%), đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Giữa làn sóng Covid-19 lần thứ tư, Việt Nam vẫn có thêm các khu công nghiệp mới được thành lập, một vài dự án công nghiệp trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Đà tăng trưởng của bất động sản công nghiệp hưởng lợi tích cực từ tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) và nguồn cung bất động sản công nghiệp mới.

Ngay từ đầu năm 2021, nhiều dự báo cho rằng, đây sẽ là năm bội thu của những nhà phát triển bất động sản công nghiệp nắm trong tay quỹ đất lớn. Bởi lẽ, so với mặt bằng chung của thế giới, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời còn được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch sản xuất từ bên ngoài.

Ông John Campbell, Trưởng bộ phận bất động sản công nghiệp của Savills Việt Nam cho biết, tính đến ngày 20/5/2021, Việt Nam thu hút được tổng vốn FDI đăng ký đạt 13,9 tỷ USD. Lĩnh vực chế biến chế tạo thu hút 6,1 tỷ USD (chiếm 43%), với 215 dự án mới và 222 dự án tăng vốn. Các dự án sản xuất công nghiệp lớn nhất trong tháng 5/2021 do nhà đầu tư Hồng Kông, Singapore rót vốn vào Quảng Ninh và Bắc Giang.

Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản công nghiệp đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về nguồn cầu tại nhiều địa phương, với 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu công nghiệp đang xây dựng.

Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đạt bình quân trên 70%, giá thuê nhà xưởng bình quân trên cả nướckhoảng 60.000 - 80.000 đồng/m2, giá đất khu công nghiệp đã có hạ tầng dao động 3 - 5 triệu đồng/m2.

Nguồn: baodautu

Chia sẻ nội dung:
0868255888