Đợt Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, nhưng thị trường bất động sản công nghiệp vẫn ghi nhận tăng trưởng. Song, bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý III/2021 lại có sự phân hóa sâu sắc.
Nếu như trong quý II, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp báo lãi lớn, thì kết quả kinh doanh quý III có sự phân hóa mạnh. Có doanh nghiệp lãi lớn, nhưng cũng không ít doanh nghiệp lợi nhuận giảm mạnh.
Ghi nhận từ báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa cho thấy, doanh thu hợp nhất trong quý III của doanh nghiệp này giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 29,5%. Giá vốn cũng giảm 37%, nên lợi nhuận gộp của Công ty giảm 15%, xuống 21 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6,8 tỷ đồng, giảm 38% so với quý III/2020.
Nguyên nhân khiến doanh thu của Tín Nghĩa giảm sút là do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thu hẹp sản xuất, một số doanh nghiệp phải ngừng do không thể tổ chức thực hiện “3 tại chỗ”.
Tương tự, báo cáo tài chính quý III/2021 của Công ty cổ phần Thống Nhất ghi nhận doanh thu và lợi nhuận lao dốc, khi doanh thu chỉ còn gần 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 248,6 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính cũng bị giảm, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp gần như không đổi, dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 7,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Công ty còn 6,7 tỷ đồng, trong khi năm ngoái là 121 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lý giải, nguyên nhân chính do Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng.
Tại cuộc họp thường kỳ quý III/2021, HĐQT Công ty Thống Nhất đã nhất trí điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ được ĐHĐCĐ giao từ đầu năm. Dự kiến tại cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 17/11 tới, Công ty Thống Nhất sẽ trình cổ đông thông qua tờ điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021.
Trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành ghi nhận kết quả kinh doanh giảm, thì Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức lại ghi nhận doanh thu gần 168 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ. Lãi gộp tăng gần gấp đôi, lên mức 99 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí và thuế, Sonadezi Châu Đức ghi nhận lãi ròng gần 67 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái. Cộng với các kết quả 6 tháng đầu năm 2021, Sonadezi Châu Đức báo lãi lũy kế gần 256 tỷ đồng, tăng 57% so cùng kỳ.
Sonadezi Châu Đức là một trong những doanh nghiệp được đánh giá có nhiều dư địa tăng trưởng ở miền Nam trong thời gian tới, nhờ chi phí giải phóng mặt bằng trung bình tương đối thấp so với các dự án lân cận. Dự kiến đến cuối năm nay, Sonadezi còn 334 ha đất đã giải phóng mặt bằng có thể cho thuê và 72 ha đất khu đô thị có thể bán.
Còn với Tổng công ty IDICO, dù chưa công bố báo cáo tài chính quý III, song tại ĐHĐCĐ mới đây, Ban lãnh đạo tiết lộ, lợi nhuận quý III đạt khoảng 160 tỷ đồng. Quý IV sẽ đưa Khu công nghiệp Mỹ Sơn A (Bình Thuận) vào hạch toán, lợi nhuận trước thuế khoảng 700 tỷ đồng. HĐQT cũng trình điều chỉnh tăng kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ năm nay từ 996 tỷ đồng lên 1.711 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng từ 460,3 tỷ lên 1.032,3 tỷ đồng.
Covid-19 tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội, nhưng lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) nhìn nhận, đây là thời điểm tạo ra sự dư thừa nguồn vốn xã hội một cách cục bộ. Dòng vốn vào lĩnh vực du lịch, sản xuất, thương mại... giảm sút, trong khi chảy nhiều hơn vào bất động sản, nhất là mảng khu công nghiệp.
Dù đang ở “điểm nóng” Bình Dương trong đợt dịch lần thứ tư, song Becamex IDC vẫn hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” và nỗ lực vượt qua đại dịch bằng việc vận dụng công nghệ, chuyển đổi số vào công tác điều hành doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận, đây là thời cơ để doanh nghiệp huy động nguồn lực xã hội nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, củng cố và phát huy mô hình kinh doanh dựa trên hệ sinh thái hiện hữu, đồng thời xây dựng một nền tảng mới, một hệ sinh thái mới, đón đầu những yêu cầu của các nhà đầu tư trong giai đoạn hậu Covid-19, qua đó tạo đòn bẩy cho phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Báo cáo cập nhật tình hình ngành bất động sản công nghiệp, các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, về tổng thể, bất động sản công nghiệp vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng để tiếp tục đón sóng dịch chuyển vốn FDI. Mặc dù dịch bệnh đã khiến hoạt động sản xuất, cơ sở hạ tầng bị đình trệ, dòng vốn FDI chững lại, tuy nhiên ngành vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong trung và dài hạn.
Tương tự, theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam, khó khăn trong ngắn hạn sẽ sớm được giải quyết, thị trường duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn với kế hoạch mở rộng hoạt động của khối doanh nghiệp FDI.
Nguồn: baodautu