Tin tức

Tin tức

M&A CÔNG NGHỆ BÙNG NỔ CÙNG KỶ NGUYÊN SỐ

M&A CÔNG NGHỆ BÙNG NỔ CÙNG KỶ NGUYÊN SỐ
Những năm qua, hệ sinh thái các công ty công nghệ Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố. Chính những yếu tố này cũng là tiền đề  cho các thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ.

BỨC TRANH THỊ TRƯỜNG CÔNG NGHỆ VIỆT NAM HIỆN TẠI

Các công ty công nghệ đang góp phần tạo nên một làn sóng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam thông qua sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp. Các giải pháp mang tính công nghệ đang len lỏi vào từng ngõ ngách trong đời sống, giải quyết các vấn đề, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của xã hội. Tiêu biểu có thể kể đến như Tiki, Sendo, Lazada và Shopee trong lĩnh vực thương mại điện tử với hơn 45 triệu người dùng, đạt quy mô hơn 11 tỷ USD.

Fintech cũng là một điểm sáng với hơn 150 doanh nghiệp, giá trị thị trường hiện tại hơn 7 tỷ USD và cũng là mảng hiếm hoi có sự góp mặt của các start-up tầm cỡ thế giới, điển hình là Momo (top 100 fintech tiêu biểu toàn thế giới) và MoneyLover (ứng dụng số 1 về quản lý chỉ tiêu).

Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều công nghệ, ứng dụng trên nhiều mảng khác nhau như du lịch với Vntrip, Luxstay, Atadi...; hay giáo dục công nghệ với Topica, hocmai, Elsa... Cũng không thể không nhắc đến VNG - một trong 10 unicorn (kỳ lân) công nghệ của khu vực Đông Nam Á và là công ty khởi nghiệp duy nhất ở Việt Nam có định giá trên 1 tỷ USD - đang tạo dựng một hệ sinh thái riêng thông qua việc tích hợp các dịch vụ tiện ích dựa trên nền tảng công nghệ dữ liệu đám mây.

Tuy nhiên, số lượng công ty công nghệ nói chung và fintech nói riêng ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn nếu so với một vài quốc gia khác trong khu vực như Singapore (hơn 500), Malaysia (hơn 200), Indonesia (xấp xỉ 300).

Những giải pháp về công nghệ, thông qua việc đáp ứng các nhu cầu có sẵn cũng như khơi gợi nhu cầu mới, đang định hình lại hành vi của người tiêu dùng và tạo ra những thách thức cho các phương thức kinh doanh truyền thống. Quá trình ấy được thúc đẩy diễn ra nhanh hơn bao giờ hết dưới tác động của đại dịch Covid-19, khi người dân và doanh nghiệp buộc phải chuyển sang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để thích ứng với trang thái “bình thường mới”.

Cũng từ đây, công nghệ lại được dịp bùng nổ, phát triển nhanh chóng và lan tỏa rộng khắp ra các lĩnh vực, khía cạnh khác như thương mại điện tử, y tế thông minh, chính phủ điện tử, kinh tế nền tảng và công nghệ tài chính. Kể cả khi Covid-19 được kiểm soát và chấm dứt, lĩnh vực công nghệ vẫn sẽ tiếp đà tăng trưởng và có những điểm sáng nhất định trong tương lai, bởi quá trình chuyển đổi số vẫn đang diễn ra trên toàn bộ nền kinh tế, người tiêu dùng đã thích nghi với phong cách sống mới và trở nên quen thuộc với những hành vi tiêu dùng mới.

Chính vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp trong ngành công nghệ - truyền thông, mà những doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực khác cũng gia tăng nhu cầu tìm kiếm những công ty công nghệ để tích hợp vào hoạt động kinh doanh, phục vụ quá trình chuyển đổi số, mở rộng cơ sở khách hàng và hướng tới phát triển bền vững.

Đi kèm với đó, cơ chế thoái vốn cho các nhà đầu tư cũ thông qua IPO đang dần hạ nhiệt giúp M&A được cân nhắc để trở thành một lựa chọn để rút lui. Sự kết hợp các yếu tố trên sẽ là động lực thúc đẩy các thương vụ M&A lĩnh vực công nghệ diễn ra trong thời gian sắp tới. Năm 2019 được xem là năm rực rỡ đối với các start-up công nghệ Việt, với tổng giá trị gọi vốn 861 triệu USD sau 123 thương vụ, giá trị vốn huy động tăng 92% so với năm 2018. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2020, dưới tác động của đại dịch, các start-up công nghệ chỉ huy động được 222 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019, với 40 thương vụ thành công.

Dẫu sao, Covid-19 chỉ là yếu tố khách quan và Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến hàng đầu trong khu vực của dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Các công ty huy động thành công vốn lớn đa phần đã có tên tuổi trên thị trường như Tiki, Sendo, VNPay. Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đang là những quốc gia có nhiều quỹ đầu tư vào start-up công nghệ tại Việt Nam nhất.

Thương mại điện tử, đi kèm với sự phát triển của các ứng dụng trung gian thanh toán, vẫn đang là mảng thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhất, với giá trị quy mô đạt hơn 11 tỷ USD. Bên cạnh đó, các lĩnh vực phụ trợ cho hoạt động thương mại điện tử như logistics, kho bãi... phát triển theo nhu cầu mở rộng của các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Những toan tính cho việc M&A nhằm tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng phân phối sản phẩm cũng được tính tới, như thương vụ Tiki mua lại Ticketbox để bổ sung dịch vụ bán vé vào hệ sinh thái (tháng 8/2019). Những tin đồn đầu năm 2020 về việc Tiki và Sendo sẽ sáp nhập cũng cho thấy, bài toán M&A đang được xem xét như một phương thức gia tăng năng lực cạnh tranh. Bên cạnh lĩnh vực thương mại điện tử, fintech cũng là một điểm nhấn đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi số sắp tới. Thanh toán vẫn đang là loại hình sản phẩm, dịch vụ và là mảng diễn ra các thương vụ với giá trị chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực fintech, với một số thương vụ tiêu biểu có thể kể đến như thương vụ rót 300 triệu USD vào VNPay của Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và Softbank Vision Fund; thương vụ 100 triệu USD đổ vào Momo từ quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus; thương vụ VinID tiến hành thâu tóm nền tảng MonPay. Song các mảng mới như công nghệ bảo hiểm (insurtech), công nghệ quản lý tài sản (wealthtech) và công nghệ quản lý (regtech) đang thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Health tech cũng sẽ là một đích đến đảng cân nhắc nàng vốn đầu tư trong thời gian sắp tới khi xu hướng đầu tư vào Health tech đang nở rộ trên phạm vi thế giới, với mức đầu tư kỷ lục lên tới 4,5 tỷ USD từ cả vốn đầu tư mạo hiểm lẫn  vốn tư nhân được ghi nhận trong quý I/2020, tăng tới 41% so với cùng kỳ. Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ có hơn 70 start-up trong mảng này, với số ít cái tên nổi bật trên thị trường như eDoctor, Bsgiadinh, Mosla, BuyMed…..Các công nghệ quản lý dữ tế và chẩn đoán, khám bệnh từ xa sẽ dẫn dắt lĩnh vực Health tech tại Việt Nam trong những năm tới, bởi đây cũng là xu hướng chung trên toàn thế giới.

Một số lĩnh vực đáng chú ý khác như Công nghệ du lịch với 8 thương vụ chốt được 64 triệu USD đầu tư (2018) và công nghệ giáo dục với 4 thương vụ có giá trị trên 50 triệu USD (năm 2018)

LIỆU ĐÃ ĐỦ ĐỂ TẠO SÓNG?

Tiềm năng cũng như cơ hội trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam vô cùng to lớn, nhưng để M&A trong lĩnh vực này thật sự bùng nổ, theo đánh giá của người viết. cần phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố và cả thời gian, để thị trường và bản thân các chủ thể hoạt động trên thị trường công nghệ trưởng thành.

Các công ty công nghệ ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thành hình, một số ít có sự tăng trưởng bước đầu, phần đông vẫn còn ở hình thức các công ty khởi nghiệp. Nhiều công ty có thể có ý tưởng sản phẩm công nghệ tốt, nhưng chưa thể phát triển thành các doanh nghiệp hoạt động quy mô bài bản, có nền tảng, bởi còn hạn chế về năng lực quản trị điều hành doanh nghiệp, hoạch định chiến lược, cũng như năng lực tài chính chưa đủ mạnh để có đủ khả năng thích ứng trước các biến động từ môi trường kinh doanh bất định như hiện nay.

Trong khi đó, các nhà đầu tư không chỉ tìm kiếm một ý tưởng sản phẩm đơn thuần, mà hướng đến thành phẩm hoàn thiện để có thể tích hợp vào hoạt động kinh doanh. Các nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực hỗ trợ trong việc điều hành thường không sẵn lòng theo đuổi các ý tưởng, sản phẩm chưa có hình hài rõ nét, trừ khi sản phẩm đó thực sự nổi bật và khác biệt. Hay nói cách khác, chất lượng hàng hóa của các công ty công nghệ tại Việt Nam chưa thật sự “khớp” với kỳ vọng của bên mua, để đủ giúp làn sóng M&A trong lĩnh vực công nghệ thật sự bùng nổ.

Pháp lý, thủ tục hành chính phức tạp cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân kìm hãm các thương vụ M&A diễn ra. Đi kèm với đó là một hệ sinh thái hỗ trợ các công ty công nghệ chưa thật sự đủ mạnh và chưa phát huy hết toàn bộ khả năng. Các công ty công nghệ hiện nay vẫn chủ yếu được cấp vốn hoạt động ban đầu bởi các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, chưa có sự tham gia của đông đảo các quỹ đầu tư tên tuổi, có quy mô lớn trên thị trường thế giới và khu vực. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã thu hút ngày càng nhiều các quỹ đầu tư lớn tham gia thị trường công nghệ như GIC, SEA, Warburg Pincus, Goldman Sachs...

HƯỚNG ĐI NÀO TRONG THỜI GIAN TỚI?

Với việc chưa tìm được tiếng nói chung giữa bên bán và bên mua, những giải pháp dài hạn cần được đưa ra để tháo gỡ những vướng mắc trong các thương vụ và để biến công nghệ thật sự trở thành một làn sóng.

Đối với các công ty công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và hoàn thiện sản phẩm là việc thiết yếu bên cạnh cân nhắc về việc thiết lập một mối quan hệ hợp tác dài hạn nhằm giúp hai bên đạt được sự cộng hưởng về doanh thu lẫn chi phí, giữ vững vị thế trong bối cảnh thị trường bị hạn chế về nguồn vốn và biến động mạnh như hiện nay. Đại dịch Covid-19 cũng là thời điểm thích hợp để các công ty triển khai tái cấu trúc, định hướng lại chiến lược cho tương lai. Các công ty công nghệ có thể xem xét sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp trong việc tái cấu trúc, gọi vốn, giao dịch M&A và tìm kiếm các đối tác chiến lược nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất

Đối với các nhà đầu tư, đây có thể xem là cơ hội để mua doanh nghiệp với giá tốt nhất và có nhiều lựa chọn nhất. Giờ đây, khi các nhà đầu tư cũ thoái lui khiến việc định giá fintech có khả năng bị ảnh hưởng, với sự gia tăng của các vòng gọi vốn trong đó giá trị công ty được định giá thấp hơn, các vòng gọi vốn mà giá trị công ty bị trượt giá hoặc các giai đoạn chuyển đổi, thì những nhà đầu tư chủ động, phản ứng nhanh nhạy với sự chuyển dịch của thị trường sẽ nắm bắt được những cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Về mặt thể chế thị trường, việc áp dụng mô hình “tăng trưởng bằng mọi giá” thay vì hoạt động có lợi nhuận khiến các công ty công nghệ gặp khó khăn trong huy động vốn do không đủ điều kiện để trở thành công ty đại chúng hay niêm yết. Do đó, việc cân nhắc về khả năng thành lập một sân chơi riêng cho các start-up tương tự như NASDAQ (Mỹ), KONEX (Hàn Quốc), hay ChiNext (Trung Quốc) sẽ tạo tiền đề cho những cú hích về quy mô và tầm vóc của các công ty công nghệ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nhanh chóng giúp Việt Nam hình thành nền kinh tế số và thúc đẩy hoạt động M&A lĩnh vực công nghệ diễn ra sôi động trong thời gian tới.

Nguồn: VIR
Chia sẻ nội dung:
0868255888