Du khách trong nước và quốc tế đã quay trở lại các trung tâm du lịch của miền Trung, trong đó trọng tâm là Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang… Không chỉ đem lại sự hồi sinh cho những khu nghỉ dưỡng, mở cửa du lịch đang hứa hẹn một giai đoạn bùng nổ mới ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng hạng sang và kén nhà đầu tư.
Cảm xúc ngày trở lại
Ký ức trong những ngày giãn cách xã hội do dịch Covid-19 về các khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng sẽ khó phai mờ trong tâm trí nhiều người. Chứng kiến sự hoang vắng và hiu hắt tại những khu nghỉ dưỡng có dịch vụ du lịch chuyên nghiệp bậc nhất miền Trung thời điểm bị giãn cách xã hội chắc rằng nhiều người có cùng câu hỏi rằng liệu bao giờ lại có những đoàn khách trong và ngoài nước nhộn nhịp vào ra? Bao giờ “trở lại ngày xưa” về một bức tranh đẹp đầy sức sống bên những bãi biển đẹp nhất hành tinh?
Hai năm trôi qua, những tự vấn đó đã dần được giải đáp khi ngành du lịch được từng bước mở cửa. Những đoàn khách nội địa quay lại Đà Nẵng, tỏa đi Hội An, lan rộng vào Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết… của dải đất Nam Trung Bộ nhiều hấp dẫn. Và giờ thì, những “cầu hàng không” đưa du khách quốc tế lần lượt quay lại Việt Nam, đã lại đang thổi bùng lên một chu kỳ phát triển mới của ngành du lịch và tác động sâu rộng đến các lĩnh vực kinh tế khác, trong đó có bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng.
12 giờ trưa ngày 15/3, Chuyến bay số hiệu SQ172 của hãng hàng không Singapore với gần 160 hành khách hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, chính thức đưa du khách quốc tế quay lại Việt Nam. Ông Bernard Suter, du khách người Đức khá hào hứng khi vừa đến khu vực cửa ra Sân bay đã được đón tiếp nồng hậu. “Tôi thực sự cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được quay trở lại Việt Nam. Các bạn đón tiếp chúng tôi rất trọng thị, thật là tuyệt vời mỗi dịp đến đây”. Còn bà Vivienne Phan phấn khích hơn: “Tôi từ Đức bay quá cảnh ở Singapore và đến Đà Nẵng. Đà Nẵng đẹp, gia đình tôi đã từng đến mảnh đất này, đã ở những khu nghỉ dưỡng rất tốt. Mỗi lần quay lại đây là mỗi cảm xúc mới, ấn tượng mới và thêm yêu mảnh đất này”.
Ông Bernhard Suter, bà Vivienne Phan chỉ là hai trong hàng nghìn du khách quốc tế đã trở lại Việt Nam sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Trước đó, những đoàn du khách quốc tế cũng đã quay trở lại Hội An (Quảng Nam); khách Nga đã quay lại Nha Trang (Khánh Hòa); khách Hàn Quốc, châu Âu đã quay trở lại Quy Nhơn (Bình Định)…
Trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, vị thế đẹp và tiềm năng tài chính cùng uy tín của chủ đầu tư là những yếu tố quan trọng quyết định tới giá trị của sản phẩm
Chuyên gia BĐS Đặng Hùng Võ nhận định, việc mở cửa lại du lịch với thế giới từ ngày 15/3 đã và đang tạo điều kiện cho ngành du lịch và BĐS nghỉ dưỡng hồi phục và phát triển.
Điều này, có thể dễ dàng nhận thấy rõ nét tại duyên hải Nam Trung Bộ, khu vực đang là nơi hội tụ của nhiều đại dự án BĐS nghỉ dưỡng do các tập đoàn danh tiếng đầu tư, các tập đoàn thương hiệu quốc tế vận hành. Nếu ở Bình Thuận có Novaland với thương hiệu NovaWorld quy mô 700 ha thì Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đang cho thấy tham vọng không kém với Dự án MerryLand Quy Nhơn tại bán đảo Hải Giang (Bình Định) với tổng mức đầu tư giai đoạn I lên tới 57.000 tỷ đồng (2,5 tỷ USD). Dự án MerryLand Quy Nhơn được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến mới, góp phần nâng tầm vị thế của Quy Nhơn trên bản đồ du lịch châu Á và thế giới.
Còn tại Đà Nẵng, cuối tháng 3/2022, Tập đoàn Fusion đã động thổ xây dựng khách sạn 18 tầng nằm trong hạng mục tiếp theo của chiến lược phát triển dự án 15,75 ha Fusion Resort & Villas Danang, tọa lạc tại bờ biển Non Nước. Ông Peter Meyer, CEO của Lodgis cho biết: “Fusion Resort & Villas Danang là một trong những điểm đến cao cấp cho du khách khi đến Đà Nẵng. Việc động thổ Dự án đánh dấu cho việc trở lại của ngành du lịch tại Đà Nẵng trong thời gian sắp tới, Fusion sẵn sàng đón khách quay lại Việt Nam”.
Là địa phương có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ: Những dự án nghỉ dưỡng đã và đang xây dựng cho thấy sự hồi sinh của ngành du lịch sau 2 năm khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Những khu nghỉ dưỡng này sẽ góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng theo chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, tiếp tục khẳng định Đà Nẵng là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ, giải trí đạt đẳng cấp quốc tế.
Bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu xuất hiện nhiều tổ hợp du lịch quy mô, chức năng đa dạng, thay cho những dự án nhỏ lẻ
Nhiều cam kết dang dở sẽ được thực thi mạnh mẽ
Theo đánh giá của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, những dự án BĐS nghỉ dưỡng ở thiên đường du lịch Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Bình… hứa hẹn sẽ tạo đà cho thị trường địa ốc phát triển. Trong đó, phân khúc BĐS gắn với du lịch nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh.
Nhận định về các sản phẩm sẽ hút khách thời gian tới, ông Nguyễn Minh Tiến, Tổng giám đốc Asia New Time cho rằng, thị trường BĐS nghỉ dưỡng bắt đầu xuất hiện nhiều tổ hợp du lịch quy mô, chức năng đa dạng, thay cho những dự án nhỏ lẻ. Những đại đô thị du lịch chất lượng cao, thu hút đông đảo nhà đầu tư đang là hướng đi mới, là sự cơ cấu lại của phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng.
“Trong phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, vị thế đẹp và tiềm năng tài chính cùng uy tín của chủ đầu tư là những yếu tố quan trọng quyết định tới giá trị của sản phẩm trong tương lai. Đặc biệt thời gian qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ngưng trệ nhiều hoạt động bán hàng, cùng tình trạng leo thang giá nguyên vật liệu xây dựng, đã tác động trực tiếp tới nguồn vốn của chủ đầu tư. Trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều dự án chậm trễ trong bàn giao khiến cho nguồn cung giảm, thì những dự án đáp ứng tiến độ được nhiều nhà đầu tư chú ý” - ông Tiến nói thêm.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS có những nhận định mạnh mẽ hơn về thị trường BĐS nghỉ dưỡng: “Phân khúc này sẽ hồi phục với những xu hướng mới, bắt đầu xuất hiện nhiều tổ hợp du lịch quy mô, chức năng đa dạng, thay cho những dự án nhỏ lẻ, đơn độc. Những đại đô thị du lịch chất lượng cao, thu hút đông đảo nhà đầu tư đang là hướng đi mới, là sự cơ cấu lại của phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Loại hình second-home (ngôi nhà thứ hai) như condotel (căn hộ du lịch) dù còn một số vấn đề về pháp lý ở thời điểm hiện tại, nhưng trong tương lai gần sẽ rất phổ biến.
Ở góc độ quản lý doanh nghiệp, đồng thời là chuyên gia phân tích về BĐS, ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Tổng giám đốc Furama Resort & Spa Đà Nẵng nhận định, sẽ có những thay đổi so với trước đại dịch Covid-19, những cam kết đầu tư trước đó còn dang dở sẽ được hiện thực hóa, cụ thể hơn. Nhà đầu tư sẽ chín chắn hơn trong kế hoạch mua bán. Triển vọng của thị trường năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ sáng sủa hơn bắt đầu từ tháng 5/2022 trở đi khi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tận dụng cơ hội này, các nhà đầu tư, nhà phân phối và vận hành khách sạn trong nước và quốc tế sẽ không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, mà sẽ bắt đầu với những kế hoạch lớn đưa sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài để tiếp thị. Đây là cơ sở để nhìn nhận và đánh giá sự chuyển dịch của BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam ra thị trường quốc tế rộng lớn nhiều tiềm năng và triển vọng.
Nguồn: baodauthau