Tin tức

Tin tức

MỤC TIÊU & ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA 2030 TẦM NHÌN 2050

MỤC TIÊU & ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TỈNH KHÁNH HÒA 2030 TẦM NHÌN 2050

Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế, kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao...

MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

Đến năm 2030: Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Tầm nhìn đến năm 2050: Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu Á với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa. Môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ, nhất là môi trường biển và ven biển; là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam vào năm 2050. Quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển, đảo được giữ vững, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ VỀ KINH TẾ ĐẾN NĂM 2030

 Tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030

 Đạt 8,3%/năm trong đó:

 * Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,4%/năm 
* Công nghiệp-xây dựng tăng 10%/năm
* Dịch vụ tăng 8,7%/năm.

 GRDP bình quân đầu người Đạt 189 triệu đồng
 Cơ cấu kinh tế Nông,lâm nghiệp và thủy sản: 7,3%
Công nghiệp- xây dựng: 36,2 %
Dịch vụ: 48%
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: 8, 5%
 Tăng trưởng năng suất lao động bình quân thời kỳ 2021 - 2030 Đạt 7%/năm
 Tỷ lệ đô thị hóa Đạt 70%
 Tổng lượt khách du lịch Đạt 13,8 triệu lượt khách trong đó:
● Khách quốc tế : Có7 triệu lượt khách 
● Khách nội địa : 6,8 triệu lượt khách
 Kinh tế số Chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2030

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

THÀNH PHỐ NHA TRANG LÀ ĐÔ THỊ HẠT NHÂN

Phát triển thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa. Phát triển nhanh đô thị thông minh, hạ tầng đồng bộ, giữ vai trò trung tâm giáo dục đào tạo và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của vùng và cả nước. Phát triển mạnh khoa học công nghệ & đổi mới sáng tạo, hình thành khu công nghệ cao, trung tâm R&D, thu hút các công ty và chuyên gia công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước. Tiếp tục khai thác các giá trị du lịch, văn hóa, dịch vụ để phát triển đa dạng các loại hình du lịch gắn với nghỉ dưỡng, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện, phát triển các dịch vụ mới như nghỉ dưỡng, lưu trú dài hạn kết hợp chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

HUYỆN DIÊN KHÁNH LÀ ĐÔ THỊ SINH THÁI, VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Diên Khánh thuộc vùng kinh tế động lực trung tâm, gắn bó chặt chẽ, bổ trợ và tương hỗ phát triển với thành phố Nha Trang. Diên Khánh được định hướng phát triển các ngành công nghiệp chế biến; nông nghiệp sạch; nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch; trung tâm y tế mới của tỉnh và của vùng; dịch vụ thương mại; giải trí; công nghệ cao gắn với đào tạo đại học, vườn ươm doanh nghiệp.

THÀNH PHỐ CAM RANH LÀ ĐÔ THỊ DU LỊCH - LOGISTICS

Định hướng phát triển chính: Đây là các đô thị cửa ngõ phía Nam tỉnh Khánh Hòa, tận dụng lợi thế của Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh, Quốc lộ 1, đường bộ cao tốc Bắc Nam, đường sắt, đường biển (Cảng Quốc tế Cam Ranh) sẽ phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh. Trong đó, phát triển thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics.

CAM LÂM TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ SÂN BAY HIỆN ĐẠI, SINH THÁI, ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ

Định hướng hình thành đô thị mới Cam Lâm tạo nền tảng để hình thành trung tâm du lịch, trung tâm tài chính, kinh tế mới của tỉnh và khu vực.

HUYỆN VẠN NINH TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ DU LỊCH BIỂN CAO CẤP

Huyện Vạn Ninh nằm ở khu vực phía Bắc Vịnh Vân Phong, với các động lực chính để phát triển bao gồm nằm trên tuyến giao thông cao tốc Bắc Nam, gần cảng hàng không Tuy Hòa, lợi thế cảng Đầm Môn và vịnh Vân Phong nước sâu và kín gió, vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Huyện Vạn Ninh được định hướng hình thành một khu đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Khánh Hòa, trở thành đô thị du lịch biển cao cấp gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị sinh thái và tự nhiên vùng vịnh Vân Phong, đồng thời là trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, logistics.

THỊ XÃ NINH HÒA LÀ ĐÔ THỊ CÔNG NGHIỆP

Khu vực trung tâm thị xã Ninh Hòa thuộc một phần trong Khu kinh tế Vân Phong. Khu vực này có lợi thế về giao thương khi nằm trên tuyến đường quốc lộ 1A, tuyến cao tốc Bắc Nam, và tuyến đường cao tốc nối Vân Phong – Buôn Mê Thuột. Khu vực này cũng nằm gần cảng tổng hợp Nam Vân Phong. Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp, nơi đây sẽ hình thành một cụm đô thị công nghiệp - cảng quan trọng phía Bắc tỉnh Khánh Hòa.

KHÁNH SƠN & KHÁNH VĨNH

Huyện Khánh Sơn & Khánh Vĩnh được định hướng phát triển thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng; đô thị du lịch cảnh quan & đặc sản địa phương.

HUYỆN TRƯỜNG SA

Huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước. Định hướng phát triển kinh tế biển: Ngư trường, dịch vụ hậu cần nghề cá... gắn với quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

ĐỊNH HƯỚNG BA TRỤ CỘT KINH TẾ CỦA TỈNH

1. NGÀNH DỊCH VỤ

- Phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao bao gồm du lịch, tài chính, thương mại, logistics, giáo dục và phát triển đô thị. Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ đa dạng, chuyên nghiệp với du lịch biển bền vững, các sản phẩm du lịch cao cấp, dịch vụ vận tải - logistics và phát triển đô thị thông minh.

- Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ môi trường và phát triển các ngành, nghề phụ trợ, gồm du lịch biển, đảo, du lịch núi rừng, sinh thái cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch di sản văn hóa, tâm linh. Trong đó tập trung phát triển các khu du lịch ven biển, đầu tư khai thác hiệu quả dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí để tạo các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

- Phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Chú trọng phát triển các cảng tổng hợp, chuyên dùng cho tàu biển trọng tải lớn tại Vân Phong và Cam Ranh tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Chú trọng các dịch vụ logistics chất lượng cao có khả năng kết nối với các trung tâm logistics trong và ngoài nước. Phát triển các ngành dịch vụ cung cấp đầu vào và sử dụng đầu ra của ngành dịch vụ vận tải và dịch vụ logistics (dịch vụ phân phối; dịch vụ du lịch; dịch vụ đào tạo nhân lực cho các phân ngành dịch vụ vận tải); dịch vụ viễn thông, trong đó ưu tiên phát triển các dịch vụ phục vụ cho vận tải biển và các dịch vụ khác như e-logistics, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính - ngân hàng; ưu tiên phát triển dịch vụ gắn với thương mại hàng hóa, xuất - nhập khẩu và các dịch vụ đi kèm.

- Triển khai các ứng dụng số trên cơ sở phát huy hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ xã hội thông minh: Y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng theo hướng đổi mới quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đa dạng hóa các loại hình khám, chữa bệnh; nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

2. NGÀNH CÔNG NGHIỆP

- Phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng; công nghệ thông tin và viễn thông; công nghiệp hỗ trợ. Thu hút các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tăng cường chuyển đổi số, tham gia hiệu quả vào các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế số.

- Giai đoạn 2021 - 2030 tập trung vào một số ngành công nghiệp theo thứ tự ưu tiên như sau: (1) Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và thực phẩm chất lượng cao; (2) Công nghiệp cơ khí chế tạo công nghệ cao (chủ đạo là đóng tàu); (3) Công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chế biến dầu khí; (4) Công nghiệp điện tử, viễn thông, bán dẫn; (5) Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, viễn thông, bán dẫn, dệt may - da giày; (6) Công nghiệp công nghệ sinh học, sản xuất vắc xin, dược liệu biển; (7) Công nghiệp chế biến sâu vật liệu xây dựng.

3. NGÀNH NÔNG NGHIỆP & NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

- Phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế. Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Hình thành, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng và phát triển bền vững diện tích rừng và đất theo quy hoạch.

- Phát triển ngành thủy sản bền vững, giá trị cao, đồng bộ với các ngành, lĩnh vực phụ trợ như cung cấp giống thủy sản, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực. Phát huy vai trò trung tâm nghề cá lớn để ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa phát triển trở thành địa bàn mũi nhọn trong đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá của vùng. Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng thủy sản giá trị cao, đặc biệt là nuôi biển công nghệ cao, gắn với chế biến và xây dựng, quảng bá thương hiệu.

ĐỊNH HƯỚNG BA VÙNG ĐỘNG LỰC GẮN VỚI BA VỊNH BIỂN LỚN

KHU KINH TẾ VÂN PHONG

Phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại. Tổ chức không gian khu kinh tế thành 2 khu vực: Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong.

Khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Phát triển du lịch biển cao cấp để khai thác giá trị tối đa từ lợi thế về vị trí, cảnh quan của khu vực. Kêu gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững của ngành du lịch. Xây dựng bến cảng đón tàu chở khách du lịch và du thuyền hạng sang. Phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng. Định hướng lâu dài phát triển cảng trung chuyển quốc tế khi có đủ điều kiện. Thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên du lịch bền vững.

Khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển. Tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như: Công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, chế biến dầu khí, đóng tàu, công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành công nghiệp phụ trợ. Phát triển các cảng hàng hóa gắn với trung tâm logistics tại Nam Vân Phong để phục vụ cho cả khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

VÙNG ĐỘNG LỰC THÀNH PHỐ NHA TRANG

Phát triển thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

VÙNG ĐỘNG LỰC VỊNH CAM RANH

Phát triển khu vực Vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch – logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

Nguồn: tổng hợp

Chia sẻ nội dung:
0868255888