UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo triển khai định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 theo Kế hoạch số 193 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Mục tiêu trong 10 năm tới, tổng vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7 tỷ USD.
Phấn đấu thu hút hơn 7 tỷ USD
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch mà UBND tỉnh triển khai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng. Đây là dịp để tỉnh cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Qua đó, tạo môi trường thu hút đầu tư mạnh mẽ, minh bạch, gắn với bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Ngoài ra, kế hoạch nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030 theo thẩm quyền của tỉnh; khắc phục những tồn tại, hạn chế về chính sách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song song đó, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phấn đấu đưa tỉnh nằm trong tốp đầu các tỉnh Trung Bộ về thu hút vốn vốn FDI hàng năm.
Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam là một trong những doanh nghiệp hoạt động thành công trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ thu hút được hơn 7 tỷ USD vốn FDI. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2025, phấn đấu khu vực có dự án vốn FDI cấp mới đạt 2,9 đến 3,1 tỷ USD; thực hiện giải ngân từ 2,8 đến 2,9 tỷ USD. Giai đoạn 2026 - 2030, dự án vốn FDI cấp mới từ 4,35 đến 4,65 tỷ USD; thực hiện giải ngân 3,4 đến 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao đạt 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030. Tỉnh cũng đặt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm của doanh nghiệp FDI (như đóng tàu, chế tạo máy…) đạt mức 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động đạt 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Đến năm 2030, phấn đấu mỗi nhóm ngành trọng tâm gồm: Du lịch, công nghiệp, cảng biển, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao… phải thu hút được từ 2 đến 3 dự án vốn FDI có quy mô lớn.
Mục tiêu khả thi
Theo đánh giá của lãnh đạo các sở, ngành, kế hoạch mà UBND tỉnh đề ra hoàn toàn khả thi. Bởi hiện nay, Khánh Hòa được đánh giá là địa phương có sự phát triển tương đối sôi động; vị trí địa lý cũng hết sức thuận lợi. Khánh Hòa nằm ở vị trí chiến lược do gần đường hàng hải quốc tế, thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển nên có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Trong 10 năm tới, thu hút đầu tư của chúng ta tập trung chủ yếu vào khu vực Vân Phong. Kế hoạch thu hút vốn FDI hơn 7 tỷ USD là một con số khá lớn. Tuy nhiên, chỉ cần một dự án có tính động lực đầu tư vào Vân Phong đã có thể vượt xa con số này. Như mới đây, Tập đoàn Dầu khí Millenium (Hoa Kỳ) xin đầu tư dự án điện khí đã có quy mô lên tới 15 tỷ USD”.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Sodex Sport ở Khu Công nghiệp Suối Dầu.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các địa phương có trách nhiệm xây dựng chương trình, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch số 193 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, thường xuyên phân tích, đánh giá tình hình thu hút đầu tư nước ngoài theo lĩnh vực chuyên ngành và địa bàn quản lý; tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các dự án vốn FDI. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các sở, ngành, địa phương; định kỳ tổng hợp tình hình trình UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.
Nguồn: baokhanhhoa