Tin tức

Tin tức

Nhà đầu tư ngoại vẫn âm thầm rót vốn vào bất động sản Việt Nam

Nhà đầu tư ngoại vẫn âm thầm rót vốn vào bất động sản Việt Nam
Bất chấp những tác động tiêu cực của Covid-19 lên tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, lĩnh vực này đã thu hút được 2,87 tỉ đô la Mỹ trong 8 tháng đầu năm.

Có 49 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là khoảng 520 triệu đô la. Ngoài ra có 22 dự án FDI hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 1,128 tỉ đô la.

Tuy nhiên, theo thống kê nguồn vốn ngoại rót vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam nhiều trong thời gian dịch bệnh này phải kể đến hình thức giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A).

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có đến 165 lượt nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam với tổng giá trị giao dịch vốn góp là gần 1,225 tỉ đô la.

Một nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có 
Temasek đã hoàn tất giao dịch thỏa thuận 201 triệu cổ phiếu của CTCP Vinhomes vào tháng 6/2020

Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm gần đây đã thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập. Về hình thức đầu tư, theo các công ty tư vấn, sở dĩ các nhà đầu tư nước ngoài chọn phương thức M&A là vì cách này giúp cho nhà đầu tư tiết kiệm được nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến giải tỏa mặt bằng dự án.

Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, hiện các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn và dịch bệnh do Covid-19, trong đó có nguy cơ bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Các công ty tư vấn đầu tư cho rằng, các nhà đầu tư ngoại đã sớm bộc lộ xu hướng quan tâm đặc biệt đến M&A tại thị trường bất động sản Việt Nam, ngay cả giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu cho rằng những khó khăn hiện tại buộc các doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn này.

Trước làn sóng doanh nghiệp ngoại đổ vào Việt Nam, cùng với việc nhiều doanh nghiệp nội địa đang gặp khó khăn, tháng 7/2020 UBND TP HCM đã giao các sở chức năng giám sát chặt thị trường bất động sản nhằm tránh hiện tượng thâu tóm đất thông qua hoạt động chuyển nhượng dự án, vốn tại doanh nghiệp trong nước.

Ở một góc nhìn khác, nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng M&A trong giai đoạn này vẫn có nhiều khác biệt bởi thị trường vốn những năm gần đây ghi nhận nhiều hơn các giao dịch mua bán cổ phần từ 49 - 76% mà không giới hạn ở việc cần phải mua đứt dự án.

Điều này cho thấy, các nhà đầu tư, đặc biệt là nước ngoài vẫn luôn để mở phương án hợp tác với nhà đầu tư trong nước nhằm nhận được hỗ trợ trong quá trình hoàn tất pháp lý của dự án và nhận sự chia sẻ khi tìm hiểu văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và đây có thể là xu thế trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Pháp Luật
Chia sẻ nội dung:
0868255888