Tin tức

Tin tức

Nhiều dự án khủng nghìn tỷ đổ bộ Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa

Nhiều dự án khủng nghìn tỷ đổ bộ Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa

Khu kinh tế Vân Phong - Khu kinh tế Nam Phú Yên được coi là động lực phát triển cho 2 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên. Giai đoạn 5 năm (2016-2020), Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa thu hút đầu tư cả trăm dự án, trong đó có những dự án "khủng" hàng nghìn tỷ đồng.

Nhiều thành tựu nổi bật về thu hút đầu tư

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, cơ cấu kinh tế khu vực Bắc Khánh Hòa chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, trong đó giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm gần 23% của tỉnh; thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt hơn 25.900 tỷ đồng, chiếm khoảng 28% của tỉnh Khánh Hòa.

Giai đoạn 2016-2020, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút mới được 42 dự án (33 dự án trong nước, 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án (10 dự án trong nước, 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đăng ký hơn 66.000 tỷ đồng. Thu ngân sách năm 2020 của Khu kinh tế Vân Phong đạt hơn 1.600 tỷ đồng, chiếm gần 70% của Bắc Khánh Hòa, chiếm khoảng 12% của tỉnh Khánh Hòa.

Giai đoạn 5 năm (2016-2020), Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa thu hút đầu tư cả trăm dự án, trong đó có những dự án "khủng" hàng nghìn tỷ đồng.

Trong nhiều năm qua, Bắc Khánh Hòa đã tích cực huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách. Trong đó, phía Bắc Khu kinh tế Vân Phong đã và đang thực hiện các dự án, gồm: Đường Đầm Môn đoạn 2 (4,2km đã hoàn thành); đường giao thông từ Quốc lộ 1 đến Đầm Môn (14,4km, dự kiến hoàn thành vào năm 2021).

Phía Nam Khu kinh tế Vân Phong đã hoàn thành các dự án: đường vào Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (3km), cải tạo tuyến Tỉnh lộ 1B đoạn từ Hyundai Vinashin đến Ninh Tịnh (9,6km), đường giao thông từ Tỉnh lộ 1A đến khu tái định cư Xóm Quán (2,3km).

Một số dự án “khủng” đã khởi công xây dựng trong giai đoạn này, gồm: dự án nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỷ USD), Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh (2.489 tỷ đồng), Khu du lịch sinh thái biển Hòn Ngang – Bãi Cát Thấm (3.742 tỷ đồng), Bến cảng tổng hợp Nam Vân Phong (987 tỷ đồng), Bến cảng tổng hợp Bắc Vân Phong (417 tỷ đồng).

Về phía khu vực Nam Phú Yên: giai đoạn 2016-2020, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã thu hút được 49 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 4.600 tỷ đồng và hơn 21 triệu USD. Xuất khẩu đến năm 2020 đạt 130 triệu USD, nộp ngân sách năm 2020 là 140 tỷ đồng.

Đoàn công tác Trung ương và lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thị sát Khu kinh tế Vân Phong.

Tại Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đã đầu tư tuyến nối Quốc lộ 1 (Đông Mỹ) đến KCN Hòa Hiệp; tuyến đường Phước Tân – Bãi Ngà (đoạn qua nhà máy lọc dầu Vũng Rô); hạ tầng khu tái định cư Hòa Tâm, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa (giai đoạn 1)…

Nhiều triển vọng

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Khu kinh tế Vân Phong được định hướng trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm, động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.

Dự kiến thu hút vốn đầu tư mới vào Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021-2025 tối thiểu đạt 150.000 tỷ đồng, vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng. Trong đó, Khu vực Bắc Vân Phong định hướng là trung tâm kinh tế biển hiện đại, với nhiều lợi thế về du lịch, cảng trung chuyển quốc tế, gắn với dịch vụ logistics, thương mại (khu phi thuế quan), công nghiệp công nghệ cao. Còn Khu vực Nam Vân Phong: trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, phát triển các khu công nghiệp, các dự án công nghiệp như năng lượng, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ vận tải biển, công nghiệp phụ trợ…

Theo UBND tỉnh Phú Yên, Khu kinh tế Nam Phú Yên phấn đấu trở thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các loại hình công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển. Giai đoạn 2021-2025, Khu kinh tế Nam Phú Yên dự kiến thu hút 30-50 dự án đăng ký, xuất khẩu đến năm 2025 đạt hàng trăm triệu USD, với tổng lao động đến 2025 khoảng 11.000 người.

Cảng tổng hợp Nam Vân Phong thuộc Khu kinh tế Vân Phong.

Trước đó đầu tháng 6/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa – UBND tỉnh Phú Yên đã đề xuất, kiến nghị Chính Phủ một số cơ chế, chính sách liên kết, tạo động lực phát triển vùng Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa. Đáng kể nhất trong nhóm cơ chế, chính sách này là đề nghị Chính phủ xem xét về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp được hưởng 0% trong thời hạn 15 năm đối với các dự án mang tính động lực phát triển, bao gồm: xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các dự án năng lượng, dự án công nghiệp hỗ trợ cho ngành đóng tàu.

Đáng chú ý, Khánh Hòa – Phú Yên còn đề nghị Chính phủ xử lý cơ chế ngân sách thực hiện để lại một phần (không thấp hơn 70%) hoặc toàn bộ số tăng thu so với dự toán bao gồm thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, thu nội địa phát sinh trên 2 tỉnh đến năm 2030. Điều này nhằm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở khu vực này.

Đồng thời đề nghị bổ sung 2 tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa vào Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, cùng với 5 tỉnh thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Đề án cũng kiến nghị đầu tư hạ tầng giao thông, một số tuyến cao tốc nhằm kết nối liên vùng và nội vùng, tạo động lực để thúc đẩy Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa bứt tốc trong tương lai.

Nguồn: nhadautu

Chia sẻ nội dung:
0868255888