Tin tức

Tin tức

Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Khánh Hoà

Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Khánh Hoà
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2020 của tỉnh Khánh Hòa gặp khó khăn, tại kỳ họp thứ 13, các đại biểu HĐND tỉnh đã có nhiều ý kiến xoay quanh giải pháp phục hồi kinh tế cũng như công tác lập quy hoạch…

Tập trung chống dịch và phát triển kinh tế

Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” đó là, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân vừa phục hồi phát triển kinh tế. UBND tỉnh đã đề ra 15 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; mở rộng không gian phát triển, tạo thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để khơi thông các nguồn lực phát triển. Trong năm 2021, UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với yêu cầu chuyển giao công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài; tập trung triển khai các dự án lớn, trọng điểm để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong thời gian tới, UBND tỉnh cũng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe người dân…

UBND tỉnh định hướng, thời gian tới, sẽ duy trì và phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ logistics; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư để đa dạng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, sức thu hút của du lịch Khánh Hòa. Trong phát triển công nghiệp, tỉnh thu hút các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: Năng lượng, chế biến chế tạo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn nhằm thu hút nhà đầu tư, tạo động lực phát triển mới. Ngành nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng liên kết chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng…

Lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, UBND tỉnh cần có giải pháp để khắc phục những vấn đề còn tồn tại đối với các chỉ tiêu, lĩnh vực không đạt hoặc đạt thấp so với kế hoạch năm 2020. Năm 2021, UBND tỉnh cần có giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy ngành du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dự báo còn kéo dài. Để thúc đẩy công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ngoài việc xem xét không hoàn thành nhiệm vụ trong năm, không xem xét về thi đua, khen thưởng, đánh giá chất lượng của người đứng đầu, người có liên quan, cần có biện pháp chuyển chủ đầu tư dự án cho đơn vị khác có năng lực.

Khu vực Vân Phong đang có nhiều doanh nghiệp đến tìm cơ hội đầu tư

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc triển khai các dự án phát triển kinh tế sẽ là mấu chốt để phát triển KT-XH tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển 4 chương trình phát triển KT-XH trọng điểm của tỉnh; đồng thời, rà soát, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp tại khu vực Vạn Ninh - Ninh Hòa, phát triển điện khí tại khu vực Vân Phong. Khu vực Vân Phong đang sôi động, nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, đề xuất đầu tư tại khu vực này. Đây là những động lực mới cho phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.

Quan tâm đến quy hoạch

Tại kỳ họp, các đại biểu đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác lập quy hoạch. Thời gian qua, việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn TP. Nha Trang chưa tốt đã để lại nhiều hệ lụy.

Đại biểu Nguyễn Ngô phản ánh, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt năm 2012, có định hướng cho phép phát triển đô thị - du lịch ở một phần đồi núi. Đáng lẽ phải lập quy hoạch 1/2.000 trước khi cấp phép dự án, tỉnh lại chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cơ sở phê duyệt quy hoạch 1/500. Hệ lụy để lại là khu vực đồi núi TP. Nha Trang có đến 82 dự án. “Nhiều dự án triển khai đã gây sạt lở nghiêm trọng, trong đó có những trường hợp xảy ra chết người. Sắp đến, tỉnh dựa vào tiêu chí nào để đánh giá dự án phù hợp? Những dự án không phù hợp hoặc chỉ phù hợp một phần sẽ xử lý như thế nào? Cho phép tồn tại hay kiên quyết xử lý trả lại màu xanh núi rừng, giữ nền địa chất ổn định?”, đại biểu Nguyễn Ngô bày tỏ.

Ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác quy hoạch, coi đây là vấn đề sống còn trong định hướng phát triển KT-XH của tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh đã triển khai hội nghị về công tác lập quy hoạch của tỉnh và TP. Nha Trang. Tỉnh đã giao đến tháng 4-2021, TP. Nha Trang cơ bản xong dự thảo quy hoạch để lấy ý kiến của hội đồng thẩm định, ý kiến nhân dân và chuyên gia. Tháng 12-2021, tỉnh phải hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh để tiến hành các bước theo quy định, đến tháng 6-2022, trình Thủ tướng phê duyệt. Cùng với triển khai lập quy hoạch, UBND tỉnh đã cho rà soát lại 82 dự án ở các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn TP. Nha Trang; tạm dừng những dự án không phù hợp với quy hoạch hoặc chỉ phù hợp một phần. Hiện nay, tỉnh đã có bản đồ địa chất của Tổng cục Đất đai (Bộ Tài Nguyên và môi trường), xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở của Nha Trang và toàn tỉnh. Từ nay trở đi, đối với các dự án mới, dự án được tiếp tục thực hiện, ngoài việc đối chiếu với quy hoạch, cần phải kiểm tra bản đồ địa chất để làm việc với nhà đầu tư. Tỉnh đã chỉ đạo TP. Nha Trang kiểm tra những khu vực có nguy cơ sạt lở, nghiên cứu phương án giải quyết như: Tổ chức di dời, xây dựng các dự án nhà ở xã hội… để người dân ổn định cuộc sống.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2020, đại dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng đến mọi mặt KT-XH của tỉnh; tình hình thiên tai cũng đã tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất của người dân. Năm 2020, có 9/16 chỉ tiêu KT-XH không đạt kế hoạch như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước giảm 9,8%; GRDP bình quân đầu người chỉ đạt 64,5 triệu đồng/người (kế hoạch 74 triệu đồng/người); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,5% (kế hoạch tăng 7%); tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 1,36 tỷ USD (kế hoạch 1,53 tỷ USD); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt hơn 14.286 tỷ đồng (kế hoạch 17.273 tỷ đồng)...

Nguồn: baokhanhhoaTại kỳ họp, các đại biểu đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác lập quy hoạch. Thời gian qua, việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn TP. Nha Trang chưa tốt đã để lại nhiều hệ lụy.
Chia sẻ nội dung:
0868255888