Bất động sản công nghiệp đã và đang nổi lên như một lĩnh vực đầu tư sáng giá giữa dịch COVID-19. Phần lớn các ngành kinh tế đều hứng chịu những tác động từ đại dịch toàn cầu. Trong khi đó, bất động sản công nghiệp Việt Nam lại đang được đánh giá là điểm sáng đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.
Hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19 Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã giúp Việt Nam hưởng lợi bởi các nhà sản xuất đã và đang dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á có chi phí thấp hơn.
Ở Trung Quốc, chi phí lao động và giá đất công nghiệp đang leo thang do Trung Quốc nâng cao chuỗi giá trị đối với hàng tiêu dùng trong nước, dịch vụ và hàng hóa xuất khẩu giá trị cao.
Chi phí lao động ở Việt Nam hiện tại chỉ bằng khoảng một phần ba Trung Quốc, điều này càng khuyến khích các công ty chuyển dịch về Việt Nam trong các năm qua. Tuy nhiên cuộc chiến thương mại đã đẩy nhanh quá trình quyết định để các doanh nghiệp di dời đến Đông Nam Á.
Làn sóng dịch chuyển, mở rộng sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra đã mở ra cơ hội lớn cho bất động sản công nghiệp Việt Nam. Nhìn nhận từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, có thể thấy Việt Nam sở hữu lợi thế nhân công trẻ, dồi dào, chi phí thấp, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam theo quy định đang ở mức 20% - thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á, chỉ sau Singapore - rất hấp dẫn các nhà đầu tư.
Các công ty hoạt động trong các khu công nghiệp cũng được hưởng nhiều ưu đãi như miễn thị thực, miễn thuế 2 - 4 năm, giảm thuế 3 - 15 năm và miễn thuế nhập khẩu.
Bất động sản Công nghiệp Việt Nam đang được hưởng lợi rõ rệt từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Với thể chế chính trị ổn định trên thế giới tại thời điểm hiện tại, đồng thời là quốc gia hiếm hoi trên thế giới thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài đang coi đây là điểm đến lý tưởng để có thể xúc tiến nhanh việc tìm kiếm cơ hội tại các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm chế xuất...nhất là khi căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa có hồi kết.
Với vị trí địa lý gần Trung Quốc, Việt Nam đang là thị trường phát triển bất động sản công nghiệp triển vọng nhất kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại nổ ra.
Ngoài ra, do tác động của đại dịch COVID-19, những công ty từng phụ thuộc quá mức vào một quốc gia hoặc khu vực nào đó (như Trung Quốc) sẽ phải đánh giá lại chiến lược tìm nguồn cung ứng và sản xuất của mình.
Không chỉ vậy, sự phát triển mạnh của thương mại điện tử và công ty logistics kể từ COVID-19 bùng nổ cũng đã tạo nên nhu cầu lớn về không gian lưu trữ và mạng lưới phân phối. Do đó, nhu cầu tìm quỹ đất để phát triển các cơ sở logistics đang chiếm lĩnh thị trường.
Hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều FTA, nhiều chuyên gia đánh giá, cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản công nghiệp trong những năm tới.
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn cũng như đây là một thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.
Không chỉ vậy, Việt Nam cũng vừa mới ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) – FTA lớn nhất thế giới, cũng như kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA.
Theo chuyên gia kinh tế Lương Toàn Thắng, bên cạnh những lợi thế về chi phí nhân công, tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do, thì Việt Nam đang có tốc độc tăng trường kinh tế, tăng trường GDP thuộc hạng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á; các chỉ số bán lẻ - thu mua trên thị trường, tỷ trọng xuất - nhập khẩu cũng liên tục tăng trưởng, kéo theo sự tăng trưởng của ngành công nghiệp.
"Tất cả những yếu tố trên đang mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI và bất động sản công nghiệp là lĩnh vực đầu tiên được hưởng lợi từ điều này", ông Thắng nói.
Khi bất động sản công nghiệp đang nóng lên từng ngày với xu hướng chuyển dịch của nhiều nhà sản xuất đến Việt Nam, sẽ kéo theo một lượng chuyên gia, người lao động lớn, vì vậy thị trường BĐS gần các khu công nghiệp cũng trở nên hấp dẫn hơn với nhiều nhà đầu tư, với mục đích xây dựng nhà ở, văn phòng cho thuê để đón đầu làn sóng này.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng việc tham gia vào nhiều FTA buộc Việt Nam liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở đã hút mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là vào bất động sản công nghiệp.
Cuộc đổ bộ của nhà đầu tư ngoại vào bất động sản công nghiệp
Dòng vốn FDI thúc đẩy các thương vụ mua bán và sáp nhập kho bãi, nhà xưởng trở nên sôi động, bất chấp thị trường chung khó khăn do đại dịch. Báo cáo thị trường M&A bất động sản công nghiệp tại Việt Nam do Savills thực hiện cho thấy mặc dù trải qua các đợt gián đoạn do COVID-19, hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp vẫn diễn ra sôi động.
Hàng tỷ USD đã đổ vào lĩnh vực này thông qua M&A trong 9 tháng đầu năm. Trong đó Logos Property của Úc đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam.
GLP, một tập đoàn đa ngành của châu Á cũng lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam hay thương vụ tập đoàn bất động sản SLP có trụ sở tại Singapore ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam.
Mới đây nhất, công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã thông qua khoản đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics ở Bắc Ninh vào đầu tháng 10.
"Một số các nhà đầu tư và sản xuất logistics nổi tiếng nhất thế giới đang dần ủy thác và thể hiện niềm tin của họ vào tiềm năng lâu dài của Việt Nam, bất chấp những khó khăn hiện tại", ông John Campbell, Trưởng bộ phận BĐS công nghiệp Savills Việt Nam cho hay.
Không chỉ vậy, các tên tuổi lớn như Google và Microsoft cũng đang nỗ lực di chuyển các cơ sở sản xuất điện thoại máy tính và các thiết bị khác từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, với các nhà máy ở Việt Nam.
Wistron Corp, một trong những đối tác sản xuất của Apple, cho biết họ đang nhắm mục tiêu đến Ấn Độ cùng với Việt Nam và Mexico. Công ty tuyên bố sẽ dành ra 1 tỷ USD để triển khai kế hoạch mở rộng trong năm tới.
Trong khi đó, Pegatron Corp lại cho biết công ty sẽ bắt đầu hoạt động sản xuất tại Việt Nam vào năm 2021 sau khi thành lập nhà máy mới tại Indonesia. Ngoài ra, đối tác lắp ráp chính của Apple cho AirPods, Inventec cũng tuyên bố đang chuẩn bị thành lập một đơn vị tại Việt Nam.
Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam khẳng định: "Công nghiệp 4.0 đang thu hút sự chú ý của các quốc gia trên toàn cầu, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Một chiến lược quốc gia, khung pháp lý phù hợp cho 4.0 và các chính sách có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và công nghiệp là điều cần thiết lúc này".
"Theo Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nếu áp dụng các công nghệ cấp trung bình, chiến lược 4.0 dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh khoảng 16% vào năm 2030 trong lĩnh vực sản xuất. Nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy lĩnh vực sản xuất của nước ta có tiềm năng tăng trưởng thêm 7-14 tỷ USD dựa trên các ứng dụng công nghệ mới. Lenovo và Schneider Electric gần đây đã công bố một quan hệ đối tác chiến lược hợp tác về các giải pháp sản xuất xanh thông minh cho lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc. Cả hai công ty hiện đang có sự hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam. Khi nền kinh tế quốc gia và chiến lược cho ngành công nghiệp 4.0 tiếp tục phát triển, hai công ty hàng đầu này sẽ tăng sự hiện diện để đáp ứng nhu cầu công nghệ ngày càng tăng", ông Campbell cho biết.
Bất động sản công nghiệp đang phát triển tích cực với vốn FDI tăng gấp 10 lần trong thập kỷ qua. Song, Việt Nam cần chọn lọc các dự án kỹ hơn để nâng cao chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Điều này sẽ bao gồm đầu tư liên tục vào cơ sở hạ tầng và liên kết mạng lưới giao thông đa phương; đạt các tiêu chuẩn giáo dục cao hơn và tăng nguồn cung lao động lành nghề thông qua việc lập ra kế hoạch phát triển kỹ năng quốc gia; tập trung thu hút các lĩnh vực ưu tiên trong sản xuất công nghệ cao và thông minh; xem xét và điều chỉnh các chính sách và ưu đãi hiện hành để thu hút đầu tư nước ngoài, thích ứng và khai thác lợi ích của ngành 4.0.