Tin tức

Tin tức

Phát triển hạ tầng giao thông đường bộ: Cần thu hút nguồn lực đầu tư

Phát triển hạ tầng giao thông đường bộ: Cần thu hút nguồn lực đầu tư

Hạ tầng thiếu đồng bộ


Những năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư gặp khó khăn nên hệ thống giao thông thiếu tính đồng bộ, liên kết. Từ đây đặt ra bài toán, làm gì để thu hút phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh?

Quan tâm đầu tư

Những năm qua, các cấp từ trung ương đến tỉnh đã quan tâm đầu tư, tạo điều kiện phát triển hạ tầng giao thông, góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển, người dân được hưởng lợi, lưu thông an toàn. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang triển khai đầu tư 2 dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 qua địa bàn tỉnh dài khoảng 54,1km; dự kiến dự án hoàn thành trong năm 2022. Đối với các đoạn tuyến còn lại: Đường bộ cao tốc đoạn Tuy Hòa - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang đã được Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án 85 và Ban Quản lý dự án 7 lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Bên cạnh đó, hệ thống quốc lộ đoạn qua địa phận tỉnh, gồm 6 tuyến: Quốc lộ 1, 1C, 26, 26B, 27C và 27B có tổng chiều dài hơn 289km, chiếm 6,67% kết nối giao thông liên vùng (giữa Khánh Hòa và các tỉnh lân cận). Các tuyến quốc lộ này có chiều rộng mặt đường từ 5,5m đến 30m. Cùng với đó, theo Quy hoạch GTVT tỉnh giai đoạn 2006 đến 2010, định hướng đến 2020, hệ thống đường tỉnh gồm 33 tuyến và 11 tuyến đường huyện bàn giao cho tỉnh quản lý với tổng chiều dài theo quy hoạch hơn 766km, tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 7.500 tỷ đồng. Hiện nay, đã chuyển 2 tuyến đường tỉnh là đường Diên Khánh - Khánh Vĩnh dài 33,3km và đường Khánh Lê - Lâm Đồng dài 32,4km thành đường Quốc lộ 27C. Đến thời điểm này, sau khi được quy hoạch, địa phương đã triển khai đầu tư được gần 460km, phần lớn hệ thống đường tỉnh có quy mô cấp V đến cấp II, bề rộng mặt đường từ 3,5m trở lên.

Vẫn còn nhiều bất cập

Theo ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT, hệ thống đường tỉnh do sở quản lý và hệ thống đường địa phương không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn phát huy tốt vai trò kết nối các cảng biển, cảng hàng không, ga đường sắt với các tuyến quốc lộ, các trung tâm kinh tế, hành chính. Đồng thời, mạng lưới giao thông đường bộ cũng được quan tâm đưa vào Quy hoạch hệ thống GTVT tỉnh và quy hoạch xây dựng địa phương, được triển khai đầu tư xây dựng, quản lý bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ để duy trì điều kiện khai thác ổn định và an toàn.

“Tuy nhiên, có một thực tế là hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Nhiều tuyến đường có mặt đường nhỏ hẹp, nhất là các tuyến tỉnh lộ, trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một gia tăng, điều này dẫn đến những bất cập về an toàn giao thông. Có 4 điều kiện để đủ chuẩn về hạ tầng, gồm: Nền đường, mặt đường, hệ thống an toàn giao thông và thoát nước. Nhưng do điều kiện hạn hẹp về kinh phí, chúng ta đang thực hiện đầu tư theo kiểu “giật gấu vá vai”, nhiều tuyến làm nền đường cấp IV đồng bằng nhưng mặt đường lại làm cấp IV miền núi hoặc thiếu hệ thống thoát nước…”, ông Dần nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, một số dự án chưa được đầu tư kịp thời dẫn đến thiếu đồng bộ trong việc khớp nối, làm giảm hiệu quả khai thác của các tuyến đường. Cùng với đó, quá trình triển khai các dự án còn gặp nhiều vướng mắc trong công tác thu hồi đất, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm... làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Một số dự án được đầu tư theo hình thức BT, ngoài việc chậm giải phóng mặt bằng còn có nhiều bất cập như: bàn giao đất quốc phòng, việc xác định giá đất để thực hiện các dự án khác ảnh hưởng đến quá trình quyết toán công trình…

Ngoài ra, theo đánh giá của Sở GTVT, hiện nay, cơ chế chính sách thay đổi, việc cập nhật chưa kịp thời các chính sách mới như: Định mức, đơn giá nhân công, giá ca máy, thiết bị thi công… trong quá trình lập dự toán theo hướng dẫn Nghị định số 68-2019 của Chính phủ, dẫn đến việc thẩm định thiết kế và dự toán, tiến độ thi công, kế hoạch giải ngân vốn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Cơ chế để thu hút đầu tư


Nguyên nhân dẫn đến hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh thiếu đồng bộ là do khó khăn về vốn. Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trong thời gian tới.

Nhu cầu vốn rất lớn


Theo lãnh đạo Sở GTVT, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh thực hiện phân kỳ đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm của tỉnh. Theo đó, kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021 - 2025 sẽ thực hiện 43 công trình giao thông với kinh phí dự kiến hơn 5.447 tỷ đồng đã được HĐND tỉnh thông qua, trong đó có một số công trình mang tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Đường Nguyễn Tất Thành đoạn từ Sân bay Cam Ranh đến cầu Long Hồ, cầu Thác Ngựa, cầu qua sông Kim Bồng, cầu qua sông Cái Ninh Bình - Ninh Xuân, hệ thống đường gom dọc các tuyến quốc lộ, xây dựng cầu Huyện 2 và đường dẫn, đường giao thông ngoài Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong…

“Nhu cầu vốn để phát triển hạ tầng giao thông trong những năm tới rất lớn. Sở ưu tiên đề xuất những tuyến đường có tính liên kết để phát triển và tập trung vào những vùng khó khăn, cấp thiết để tạo động lực cho phát triển kinh tế của từng địa phương. Đối với 8 huyện, thị xã, thành phố, nhu cầu vốn để đầu tư hạ tầng giao thông trong trung hạn và dài hạn cũng khá lớn. Theo thống kê sơ bộ, các địa phương (Cam Ranh, Cam Lâm, Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh) đã đưa vào kế hoạch đầu tư làm đường với gần 11.400 tỷ đồng. Việc dành nguồn ngân sách lớn để làm các tuyến đường sẽ giúp kết cấu hạ tầng giao thông trong tỉnh được cải thiện và dần hoàn thiện”, ông Dần nói.

Theo lãnh đạo TP. Nha Trang, kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố tập trung chủ yếu các tuyến đường đô thị. Trong 5 năm tới, thành phố sẽ thực hiện đầu tư 51 công trình giao thông, với kinh phí gần 410 tỷ đồng (trong đó, ngân sách thành phố hơn 321 tỷ đồng, đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ 88 tỷ đồng). Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác phát triển hạ tầng giao thông là công tác bồi thường giải tỏa khi đầu tư các tuyến đường. Vì vậy, TP. Nha Trang kiến nghị các cấp cần có cơ chế chính sách trong công tác đền bù giải tỏa khi đầu tư các tuyến đường giao thông theo quy hoạch.

Đề xuất nhiều giải pháp, chính sách

Để thuận lợi trong công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ các tuyến đường và thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, mới đây, UBND tỉnh có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp, chính sách. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị tổng cục tăng cường công tác quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường bộ trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: công tác thẩm định an toàn giao thông, lập lại trật tự an toàn giao thông, giải quyết các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, thực hiện quản lý giao thông đô thị thông minh, rà soát quy hoạch lại hệ thống giao thông của tỉnh để có cơ sở điều tiết giao thông. Đồng thời, tăng cường đầu tư, nâng cấp mở rộng một số công trình trên các tuyến đường bộ trọng điểm địa phương như: đầu tư mới một số dự án, xây dựng mới các cầu đã xuống cấp, mở rộng mặt đường đảm bảo 2 làn xe, tăng cường kết cấu mặt đường...

Cùng với đó, tổng cục cũng nghiên cứu xây dựng phương án kết nối giao thông đường bộ (bao gồm các nút giao khác mức, đường trên cao), đường sắt đô thị đảm bảo tính kết nối đường nội đô TP. Nha Trang với các trục đường lớn Đông - Tây, Bắc - Nam và hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia và vùng; tổ chức giao thông tĩnh của tỉnh. Ngoài ra, nhu cầu bảo trì hệ thống đường giao thông hàng năm đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Theo tính toán về nhu cầu bảo dưỡng thường xuyên cũng như sửa chữa định kỳ hàng năm đối với hệ thống đường giao thông do Sở GTVT quản lý cần khoảng 264 tỷ đồng. Trong khi nguồn ngân sách tỉnh hàng năm cho công tác bảo trì đường bộ chỉ khoảng 170 tỷ đồng. Do đó, sở đề nghị tổng cục tham mưu Bộ GTVT tăng cường tập trung nguồn vốn hàng năm để đáp ứng công tác bảo trì đường bộ theo định mức được ban hành.

Theo ông Nguyễn Văn Dần, để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ một cách đồng bộ, cần có những cơ chế, chính sách thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau như: vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, thu hút đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư), nhằm tạo sự đột phá trong thu hút vốn tư nhân tham gia đầu tư. Cùng với đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Nguồn: baokhanhhoa
Chia sẻ nội dung:
0868255888