Chiều 7/10, Bộ Giao thông Vận tải công bố hệ thống quy hoạch cảng biển đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có 6 cụm cảng lớn kết nối với cao tốc, sân bay.
Cụm cảng Hải Phòng được quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc tế, trong đó cảng Lạch Huyện bốc xếp container, cảng Đình Vũ - Sông Cấm phục vụ hàng công nghiệp, cảng Nam Đồ Sơn phục vụ hàng rời, lỏng... Kết nối với các cảng biển này là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và sân bay Cát Bi.
"Toàn bộ hàng hóa miền Bắc sẽ được lưu thông qua cụm cảng này. Hà Nội sẽ có vành đai 4 thì hàng hóa không đi vào nội đô mà được đưa thẳng xuống Hải Phòng", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tại hội nghị công bố quy hoạch chiều 7/10.
Cụm cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) sẽ phục vụ khu công nghiệp Nghi Sơn. Hiện khu vực đã có sân bay Thọ Xuân, sẽ kết nối với vùng lân cận bằng cao tốc Bắc Nam, trong tương lai có đường sắt tốc độ cao Bắc Nam chạy qua. Cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn có thể kết nối với cảng biển tại Thanh Hóa và Bắc Trung Bộ.
Cụm cảng Đà Nẵng có vị trí quan trọng, kết nối Nam Lào, Bắc Campuchia được kỳ vọng là cụm động lực thứ ba của kinh tế đất nước. Kết nối với cụm cảng là cao tốc Bắc Nam.
Cụm cảng Vân Phong (Khánh Hòa) là vùng nước sâu thích hợp đón các tàu cỡ lớn. Bộ Giao thông Vận tải đã quy hoạch đường cao tốc nối Vân Phong với Buôn Ma Thuột để đưa hàng hóa các tỉnh Tây Nguyên đến cảng.
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) được kỳ vọng là cảng cửa ngõ quốc tế, chuyên đón tàu container cỡ lớn. Một loạt dự án cao tốc đang triển khai như Biên Hòa - Vũng Tàu, vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP HCM - Chơn Thành, TP HCM - Dầu Giây - Bảo Lộc... Các tuyến cao tốc này sẽ kết nối, vài năm tới sẽ không còn tình trạng ùn tắc xung quanh cụm cảng Cái Mép như thời gian qua.
Cụm cảng Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu trực tiếp tại đồng bằng sông Cửu Long mà không phải chuyển đến Vũng Tàu. Vị trí cảng hiện kết nối với sân bay Cần Thơ, quốc lộ 1 và đường Nam sông Hậu, thuận lợi để xây dựng một cảng nước sâu cho tàu 50.000 tấn trở lên. Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề, Cần Thơ - Châu Đốc, Cần Thơ - Cà Mau sẽ tiếp cận với cụm cảng này.
"Khi có cao tốc, cảng biển, sân bay, tôi tin rằng nhiều khu vực sẽ dần chuyển đổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các vùng đất không hiệu quả sẽ thành khu công nghiệp", Bộ trưởng Thể nói.
Nguồn lực cho phát triển cảng biển dự kiến khoảng 313.000 tỷ đồng đến năm 2030, trong đó nguồn ngoài ngân sách được huy động chiếm đến 95%. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, nhà nước sẽ đầu tư làm luồng lạch, còn lại bãi hàng, cầu cảng... sẽ do doanh nghiệp đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề xuất cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng cảng hiện đại, đồng bộ.
Theo quy hoạch mới được phê duyệt, hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới sẽ được phân thành 5 nhóm thay vì 6 nhóm như giai đoạn trước.
Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng thông quan lượng hàng hóa từ hơn 1,1 tỷ tấn đến hơn 1,4 tỷ tấn. Trong đó, hàng container 38-47 triệu TEU; hành khách 10,1-10,3 triệu lượt.
Giai đoạn đến năm 2050, hệ thống cảng biển được phát triển đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, năng lực đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 4-4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân 1,2-1,3%/năm.
Nguồn: vnexpress