Tin tức

Tin tức

Rèn Luyện Tính Kỷ Luật Như Thế Nào?

Rèn Luyện Tính Kỷ Luật Như Thế Nào?

Kỷ luật là tự do. Có thể bạn không đồng ý với câu nói này, mà nếu đúng là như vậy, thì chắc chắc bạn không phải là người duy nhất. Với nhiều người, kỷ luật là một từ không mấy hay ho và nó đồng nghĩa với việc thiếu tự do. Nhưng trên thực tế, điều ngược lại mới đúng. Stephen R. Covey từng nói: “Những người không có kỷ luật là nô lệ cho cảm xúc, dục vọng, và đam mê”. Và xét về lâu dài, những người không có kỷ luật sẽ không có được sự tự do đi kèm với một số kỹ năng và năng lực cụ thể – chẳng hạn như khả năng chơi một loại nhạc cụ hay sử dụng một ngoại ngữ.

Kỷ luật là hành động theo những gì bạn nghĩ bất kể khi đó cảm xúc của bạn là gì. Thường thì nó là sự hy sinh niềm khoái cảm và sự vui thú của giây phút hiện tại để đầu tư cho những điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Do đó, kỷ luật sẽ khiến bạn:

  • Tiếp tục thực hiện một ý tưởng hay một dự án sau khi sự nhiệt tình hào hứng ban đầu phai nhạt dần
  • Tới phòng tập thể thao trong khi tất cả những gì bạn muốn làm lúc này là nằm dài trên ghế xem TV
  • Dậy sớm để dành thời gian rèn luyện bản thân
  • Nói “không” khi bạn thèm ăn một món mình đang cần ăn kiêng
  • Chỉ kiểm tra hộp thư vài lần mỗi ngày vào những thời điểm nhất định

Trước đây kỷ luật là điểm yếu của tôi, vì thế mà giờ đây tôi không có khả năng làm một số việc mà tôi thích làm – chẳng hạn như chơi guitar. Nhưng tôi đã tiến bộ lên nhiều rồi; có thể nói rằng, chính nhờ có kỷ luật mà hôm nay tôi mới có thể thức dậy từ 5h sáng để viết bài này. Thực ra điều tôi mong muốn làm bây giờ là nằm cuộn tròn trên giường, nhưng niềm mong mỏi này lại xếp sau cảm giác tận sâu trong tâm trí tôi về mục đích.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn với việc rèn luyện tính kỷ luật, thì tin tốt cho bạn là đức tính này có thể trau dồi. Chẳng hạn, chỉ trong hai năm gần đây tôi đã rèn được thói quen dậy sớm. Sau đây là 5 đặc tính của tính kỷ luật mà tôi đã phát hiện ra:

1. Tự nhận thức

Kỷ luật nghĩa là hành động theo những gì bạn đã xác định là tốt nhất, bất kể khi đó cảm xúc của bạn ra sao. Do đó, đặc điểm đầu tiên của kỷ luật chính là sự tự nhận thức. Bạn cần phải xác định xem hành vi nào sẽ thể hiện tốt nhất các mục tiêu và giá trị của mình. Quá trình này đòi hỏi bạn phải tự tìm hiểu, tự phân tích bản thân; và nó sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi bạn viết những phân tích đó ra trên giấy trắng mực đen. Tôi khuyên bạn hãy dành thời gian viết ra các mục tiêu, ước mơ, và hoài bão của mình. Mà tốt hơn nữa, nếu có thể, bạn hãy viết hẳn một Tuyên bố sứ mệnh cá nhân. Tôi nhận thấy rằng việc viết ra sứ mệnh đó đã giúp tôi hiểu rõ hơn tôi là ai, mục đích của tôi là gì, và giá trị nào tôi đề cao.

2. Nhận thức có ý thức

Kỷ luật phụ thuộc vào sự nhận thức có ý thức về những gì bạn đang làm và những gì bạn đang không làm. Bạn thử nghĩ mà xem. Nếu bạn không ý thức được rằng hành vi của mình là không có kỷ luật, thì làm sao bạn có thể biết rằng mình cần phải hành động khác đi?

Khi bắt tay vào rèn luyện tính kỷ luật, có thể nhiều khi bạn sẽ “bắt quả tang” chính mình đang có những hành vi vô kỷ luật – chẳng hạn, cắn móng tay, tránh tập thể dục, ăn bánh, hay liên tục kiểm tra hộp thư. Để xây dựng đức tính kỷ luật, bạn cần phải có thời gian; và điểm mấu chốt ở đây là bạn phải nhận thức được hành vi vô kỷ luật của mình. Dần dần, sự nhận thức này sẽ đến sớm hơn, tức là thay vì “bắt quả tang” mình đang thực hiện hành vi vô kỷ luật, bạn sẽ nhận thức được nó trước khi bạn thực hiện hành vi đó. Điều này cho bạn cơ hội đưa ra quyết định phù hợp hơn với các giá trị và mục tiêu của mình.

3. Quyết tâm áp dụng kỷ luật

Viết ra các mục tiêu và giá trị của mình thôi chưa đủ. Bạn phải có lòng quyết tâm thực hiện chúng. Nếu không, khi chuông đồng hồ báo thức kêu lúc 5h sáng, bạn sẽ vô tư mà chỉnh giờ “thêm 5 phút nữa thôi”… Hay khi niềm hào hứng ban đầu với một dự án trôi qua, bạn sẽ chật vật đưa nó đến mốc hoàn thành.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn với việc thực hiện quyết tâm, hãy bắt đầu bằng cách đưa ra một quyết định có ý thức rằng bạn sẽ theo đuổi thực hiện những gì mà bạn nói mình sẽ làm – cả về thời điểm và cách thực hiện việc đó. Sau đó, tôi khuyên bạn nên xây dựng một phương pháp/hệ thống để theo dõi quá trình thực hiện những cam kết này. Chẳng thế mà người ta vẫn nói: “Cái gì đo lường được thì mới tiến triển được”.

4. Can đảm

Bạn có nhìn thấy những giọt mồ hôi trên khuôn mặt của nhân vật trong bức ảnh trên kia không? Đúng đấy bạn ạ, thường thì kỷ luật là một việc làm cực kỳ khó khăn. Cảm xúc, dục vọng, và đam mê có thể là những lực lượng mạnh mẽ mà bạn phải đối mặt. Do đó, tính kỷ luật phụ thuộc rất nhiều vào lòng can đảm. Đừng giả vờ rằng làm việc nào đó là dễ dàng với bạn trong khi trên thực tế, đó lại là một công việc rất khó khăn và/hoặc vất vả. Thay vào đó, hãy xây dựng lòng can đảm để đối mặt với sự vất vả và khó khăn này. Khi bạn tích lũy được cho mình những chiến thắng riêng nho nhỏ, lòng tự tin ở bạn sẽ lớn mạnh dần, và sự can đảm vốn là yếu tố hỗ trợ cho tính kỷ luật sẽ đến với bạn một cách tự nhiên hơn.

5. Tự hướng dẫn bản thân

Thường thì độc thoại là một thói quen không tốt, nhưng nó cũng có thể trở nên vô cùng hữu ích nếu bạn kiểm soát được nó. Khi gặp tình huống khó khăn, hãy tự nói chuyện với mình, tự khuyến khích mình, và tự trấn an bản thân. Suy cho cùng, chính độc thoại lại là hành vi có khả năng nhắc nhở bạn về các mục tiêu của mình, tạo dựng lòng can đảm, củng cố lòng quyết tâm, và khiến bạn duy trì nhận thức về nhiệm vụ mình đang làm. Mỗi khi cảm thấy tính kỷ luật của mình bị thử thách, tôi lại nhớ đến câu nói này: “Cái giá của việc giữ kỷ luật luôn luôn thấp hơn nỗi đau của niềm hối tiếc”. Hãy khắc sâu câu nói này vào tâm trí bạn, và nhớ lại nó mỗi khi bạn thấy mình đang bị thử thách. Nó có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn đấy.

Nguồn: phamngocanh.com



Chia sẻ nội dung:
0868255888