Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), kinh thành Huế và thành Diên Khánh (Khánh Hòa) là ba thành cổ còn tương đối nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu ở nước ta. Trong đó, thành Diên Khánh từng có một vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Trung bộ, nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.
Năm 1653 chúa Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Hùng Lục hầu cầm quân đánh dẹp quân Chiêm, nhân đó lấy đất từ phía Đông sông Phan Rang đến đầu địa giới Phú Yên đặt làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh. Nhận thấy phần đất này liền núi, cạnh sông, gần biển, Hùng Lục hầu cho thiết lập đồn lũy để tăng cường phòng thủ. Năm 1690, phủ Thái Khang đổi tên là phủ Bình Khang. Năm 1742 lại đổi tên là phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh.
Năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn khởi binh đánh bại quân của chúa Nguyễn, mở rộng căn cứ ở Bình Định rồi tiến vào phía Nam, chiếm thành Diên Khánh làm lỵ sở của dinh Bình Khang. Năm 1774, Nguyễn Ánh sai Tống Phúc Hiệp và Nguyễn Khoa Thuyên từ Gia Định theo hai đường thủy bộ tiến ra đánh Bình Khang, quân Tây Sơn rút về giữ vùng đất Phú Yên và Bình Định.
cổng thành cổ Diên Khánh
Năm 1775, sau khi đánh bại quân của Tống Phúc Hiệp chỉ huy, quân Tây Sơn chiếm lại Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh và mở rộng vùng kiểm soát vào tận Bình Thuận. Tháng 5 năm 1781, Nguyễn Ánh cho ba đạo quân tiến đánh Bình Khang nhưng thất bại. Năm 1792, vua Quang Trung băng hà, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Năm 1793, Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và nguyễn Văn Trương đem quân đánh chiếm Diên Khánh. Sau khi đẩy lùi quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh quyết định xây dựng thành Diên Khánh thành căn cứ quân sự vững chắc để duy trì vùng kiểm soát của mình. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi “Năm Quí Sửu (1793), đại binh tiến đánh Tây Sơn ở Quy Nhơn. Khi trở về vua nghỉ chân ở Diên Khánh, xem xét địa thế, nhân chỗ đồn cũ đắp thành đất, mở sáu của, mỗi cửa đều có lầu, bốn góc thành đều có núi đất. Ngoài thành có hào, ngoài hào có xây lũy chắn ngang. Các cửa thành đều có xây cầu đi qua, trước thành, sau thành đều có núi sông bảo vệ, thật là một nơi hiểm trở vô cùng…”[1]. Thành Diên Khánh ra đời từ đó.
Năm 1794, nhà Tây Sơn phái tướng Trần Quang Diệu đem quân vào tấn công thành Diên Khánh, Nguyễn Ánh phải điều quân từ Gia Định ra giải vây. Tháng 1 năm 1795, quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy lại đem đại quân vào quyết hạ thành Diên Khánh, hai bên giằng co quyết liệt, một lần nữa Nguyễn Ánh lại phải điều quân ra giải vây. Thành Diên Khánh vẫn năm trong tay quân chúa Nguyễn và trở thành lỵ sở của nhà Nguyễn tại dinh Bình Khang, sau đó dinh Bình Khang đổi thành Bình Hòa (1803) rồi Khánh Hòa (1832) [2].
Năm 1858, thực dân Pháp trắng trợn đem quân xâm lược nước ta. Bất chấp ý chí độc lập tự chủ của nhân dân, coi rẻ máu xương của các văn thân, sĩ phu yêu nước, triều đình Huế đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác và đầu hàng bằng hiệp ước Patơnốt năm 1884.
Năm 1885, phái chủ chiến trong triều, đại diện cho lòng yêu nước, ý chí độc lập dân tộc do đại thần Tôn Thất Thuyết đứng đầu đã hộ giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở (Quảng Trị), hạ chiếu Cần vương chống Pháp. Tại Khánh Hòa, ông Trịnh Phong cùng các ông Lê Nghị và Trần Đường cùng các sĩ phu đứng lên chiêu tập quân sĩ hưởng ứng hịch Cần Vương, phò vua cứu nước. Nghĩa quân tôn Trịnh Phong là “Bình Tây đại tướng” lãnh đạo phong trào Cần Vương Khánh Hòa. Nghĩa quân Khánh Hòa chia thành hai quân khu. Quân khu Bắc gồm Vạn Ninh, Ninh Hòa do Tổng trấn Trần Đường chỉ huy. Quân khu Nam gồm Diên Khánh, và Vĩnh Xương do Trịnh Phong trực tiếp chỉ huy. Thành Diên Khánh trở thành Tổng hành dinh của quân Cần Vương Khánh Hòa.
Năm 1886, quân Pháp từ Nam kì kéo ra, đổ bộ lên Nha Trang. Trịnh Phong giao việc giữ thành Diên Khánh cho Lê Nghị, tự mình lãnh đạo nghĩa quân chặn đánh Pháp trên sông Cái, bến Trường Cá..nhưng không cản được bước tiến của giặc, buộc phải rút về phòng thủ thành Diên Khánh. Khi quân Pháp đánh vào thành, dựa vào thành cao, hào sau và lũy tre bao bọc, nghĩa quân đã gây nhiều thiệt hại cho địch. Cuộc chiến đấu giằng co mấy tháng liền, đạn dược, lương thực khan hiếm dần, nghĩa quân gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có một số trốn ra ngoài đầu hàng…Biết khó lòng giữ thành, Trịnh Phong và Lê Nghị tổ chức kế hoạch giải vây thành công và rút về quân khu Bắc tiếp tục cuộc chiến đấu. Thành Diên Khánh rơi vào tay Pháp, nhưng phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa vẫn tiếp diễn nhằm đánh đuổi quân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương, tinh thần cách mạng trong nhân dân do Việt Minh lãnh đạo càng sôi sục. Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Khánh Hòa, hàng ngàn quần chúng cách mạng tiến vào thành Diên Khánh, bắt tên tri phủ Phạm Bào, thu ấn tín, xóa bỏ chính quyền tay sai, lập ra chính quyền cách mạng, phối hợp với nhân dân toàn tỉnh vùng lên khởi nghĩa, lật nhào ách thống trị của lũ bù nhìn thân Nhật. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện rực rỡ trên thành Diên Khánh. Lần đầu tiên trong lịch sử, thành Diên Khánh trở thành trụ sở chính quyền cách mạng, chính quyền của nhân dân.
Hơn một tháng sau, ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Cả nước dồn sức người, sức của cho Nam bộ kháng chiến. Thực hiện âm mưu cắt đứt đường vận chuyển chi viện cho Nam bộ, ngày 23 tháng 10 năm 1945, giặc Pháp đổ bộ vào Nha Trang. Nhân dân Nha Trang – Khánh Hòa đứng lên đồng loạt tiến công bao vây quân Pháp trong thành phố, giữ vững tuyến giao thông huyết mạch Bắc – Nam. Mặt trận Nha Trang hình thành. Các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa, sở chỉ huy Mặt trận Nha Trang và nhiều cơ sở quân y, quân giới, cơ khí, vận tải dời về thành Diên Khánh. Suốt ba tháng bao vây giam chân địch tại Nha Trang, thành Diên Khánh thực sự là tổng hành dinh của cuộc kháng chiến chống Pháp tại Khánh Hòa. Cuối tháng Giêng năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp (là đặc phái viên của Chính phủ được Bác Hồ giao nhiệm vụ kiểm tra tình hình chiến trường ở Nam Trung bộ) đã triệu tập một cuộc họp tại nội thành Diên Khánh để truyền đạt chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương và chuyển lời thăm hỏi, khen ngợi của Bác Hồ về tinh thần chiến đấu của đồng bào Nha Trang – Khánh Hòa [3]. Đêm ngày 01 tháng 2 năm 1946, đơn vị giải phóng quân cuối cùng rút khỏi thành Diên Khánh, đánh dấu thắng lợi của 101 ngày đêm giữ mặt trận Nha Trang. Từ đó thành Diên Khánh bị thực dân Pháp chiếm đóng.
Pháp thua rút quân về nước nhưng Diên Khánh vẫn nằm trong tay bè lũ tay sai. Dưới ách Mỹ - Ngụy, nhân dân Diên Khánh vẫn một lòng hướng về cách mạng. Tháng 4 năm 1975, kết hợp với lực lượng chủ lực, lực lượng vũ trang và nhân dân Diên Khánh nổi dậy giải phóng quê hương. Thành Diên Khánh đón nhận cơ quan lãnh đạo của Đảng và chính quyền huyện trở về.
Ghi nhận những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích thành cổ Diên Khánh, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa ban hành quyết định số 1288/VH-QĐ xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa Quốc gia.
Năm 2003, Thành Diên Khánh đã được trùng tu, sơn sửa bốn cổng, gia cố những nơi bị nứt tường giột nước mưa và một số đoạn tường thành. Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hoà tiến hành dự án tu bổ Thành Diên Khánh và khoanh vùng các khu vực bảo vệ nhằm tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Từ cuối năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định di dời các cơ quan hành chính, quân sự khỏi nội thành Diên Khánh để biến nơi đây thành phố đi bộ và dần phục hồi các công trình mang dấu tích lịch sử để phục vụ du lịch.
Ngày 27 tháng 11 năm 2018, tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo khoa học về “Bảo tồn và phát huy giá trị thành cổ Diên Khánh” để lấy ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu ở Trung ương và địa phương.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của thời gian, thành Diên Khánh không còn nguyên vẹn như trước. Nhưng những giá trị lịch sử, văn hóa mà thành Diên Khánh lưu giữ cùng với sự đầu tư đúng đắn của tỉnh Khánh Hòa, di tích thành cổ Diên Khánh không những có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa mà còn góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, du lịch của Diên Khánh nói riêng và Khánh Hòa nói chung.
Chú tích:
[1], [2]. Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, NXBLĐ (2012), trang 630, 634.
[3]. Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Diên Khánh (1930-1975), trang 55.
Nguồn: Lê Viết Quân
Hội Sử học Khánh Hòa