Theo giới chuyên gia bất động sản, khu vực có nhiều cơ hội phát triển bất động sản công nghiệp nhất là phía Bắc do nơi đây còn nhiều quỹ đất, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ...
Sau 10 năm, thị trường bất động sản đã liên tiếp đảo chiều với những dấu mốc khó quên. Từ sự suy thoái đi lên thời kỳ đỉnh cao, rồi bỗng nhiên rơi xuống nốt trầm bởi đại dịch COVID-19. Xu hướng Nam tiến ồ ạt của thị trường phía Bắc đang bị thay thế bởi dòng chảy tài chính đổ về các thị trường mới và rời xa vùng trung tâm.
Trước xu thế dịch chuyển đó, bất động sản khu công nghiệp đang nổi lên là “điểm sáng” của thị trường bất động sản với nhiều cơ hội phất triển, nhất là các tỉnh vùng ven ở khu vực miền Bắc.
Nhiều tiềm năng cho bất động sản công nghiệp
Từ chuyển động thị trường trong các năm qua, nhất là sự dịch chuyển xu hướng đầu tư, ông Nguyễn Quốc Anh, CBO Batdongsan.com.vn cho rằng năm 2021 thị trường bất động sản có thể vẫn còn nhiều khó khăn. Trong kịch bản có vacxin ngừa COVID-19 thì cũng phải mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm để hoạt động đầu tư, du lịch khôi phục lại.
Dưới góc nhìn tích cực nhưng thận trọng, vị chuyên gia này cho rằng năm 2021 vẫn là thời gian của sự chủ động, linh hoạt thích ứng với một tầm nhìn dài hạn và chuyên tâm hơn trong việc phát triển các sản phẩm của doanh nghiệp bất động sản. Trong đó, bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng của thị trường này.
Dẫn chứng cho dự báo trên, ông Quốc Anh cho biết trong quý 3/2020, bất động sản công nghiệp đang có sự tăng trưởng ấn tượng, các khu công nghiệp đều tăng lượng tìm kiếm. Trong quý 3 vừa qua, cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập, tăng 33 khu công nghiệp so với quý 2 và 280 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tăng 19 khu công nghiệp so với quý 2/2020.
Ngoài ra, trong năm 2020 cũng đã có thêm 10 dự án giao thông lớn được khởi công ở trên cả 3 vùng miền. Nhiều nhất là khu vực miền Trung với 5 dự án.
Cụ thể, miền Bắc có dự án nâng cấp sân bay Nội Bài, cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ. Miền Trung có dự án Mai Sơn-quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thành phố Buôn Ma Thuột, dự án tăng cường kế nối giao thông Tây Nguyên. Miền Nam là dự án cầu Mỹ Thuận 2, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ.
“Cùng với sự dịch chuyển đầu tư, những dự án giao thông lớn này sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản. Vì thế, năm 2021, thị trường sẽ có những biến chuyển tích cực cùng hệ thống hạ tầng giao thông này,” ông Quốc Anh nói.
Có chung quan điểm, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường - Công ty dịch vụ bất động sản JLL Việt Nam, cho rằng xét về triển vọng của ngành công nghiệp, giá và tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp trên khắp Việt Nam sẽ tiếp tục tăng với tốc độ nhanh trong vài năm tới. Trong đó 2 ngành nghề dẫn đầu số lượng công ty đầu tư vào các khu công nghiệp là linh kiện điện tử và kho vận.
Theo bà Vân, khu vực có nhiều cơ hội phát triển bất động sản khu công nghiệp nhất là khu vực phía Bắc, đặc biệt là thành phố Hải Phòng. Lý do là quỹ đất ở miền Bắc còn nhiều, giá trung bình cạnh tranh so với khu vực phía Nam; đây cũng là vùng có vị trí chiến lược, giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ.
Bên cạnh đó, phía Bắc cũng là khu vực có tiềm năng phát triển thị trường kho vận logistics. “Như vậy, cùng với bất động sản công nghiệp truyền thống, nhu cầu về kho vận logistics hiện đại cũng sẽ là cơ hội giúp thị trường bất động sản công nghiệp phát triển mạnh ở phía Bắc trong thới gian tới,” bà Vân nhấn mạnh.
“Cuộc chơi” dài hạn cho nhà đầu tư lớn
Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, bà Nguyễn Hồng Vân cũng lưu ý thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc sẽ phải đối mặt với một số thách thức như phát triển nóng dẫn đến thếu hụt lao động, hạn chế về điều kiện cơ sở hạ tầng như năng lượng, nước thải…
Bên cạnh đó, các dịch vụ phụ trợ cho phát triển ngành sản xuất logistics, nhà ở cũng gặp khó khăn, trong khi tốc độ giải phóng mặt bằng quỹ đất sạch nhanh.
Với những yếu tô nêu trên, tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam do Batdongsan.com.vn tổ chức ngày 8/12, tại Hà Nội, bà Vân khuyến nghị bất động sản công nghiệp không phải là “cuộc chơi” cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Lý do bởi doanh nghiệp muốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp, ngoài yếu tố nguồn lực tài chính còn phải đi kèm nhiều yếu tố khác.
“Hơn nữa, đó là cuộc chơi dài hơi tới 30-50 năm, chứ không phải bỏ đầu tư 3-4 năm để thu tiền. Do đó, nhà đầu tư cần tính toán kỹ lưỡng,” bà Vân nhấn mạnh.
Dù vậy, vị chuyên gia đến từ JLL Việt Nam cũng đưa ra gợi ý các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể hướng tới việc đầu tư xây dựng nhà ở, phòng trọ cho thuênhay các khu đô thị vệ tinh ở xung quanh các khu công nghiệp để bán nhà cho công nhân…
Một số ý kiến khác cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, thị trường bất động sản sẽ sớm được phục hồi, trong đó bất động sản khu công nghiệp vẫn sẽ là điểm sáng, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, để bất động sản khu công nghiệp phát triển lớn mạnh, các nhà đầu tư cần tuyển dụng nguồn lao động có trình độ cao.
Với các nhà đầu tư nước ngoài, theo chuyên gia Savills, để thu hút đối tượng này, các khu kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, hỗ trợ các dự án khác như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp.
Ngoài ra, để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, chuyên gia Savills cho rằng Việt Nam cần tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư vào giáo dục, công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc./.
Dữ liệu từ Sách Trắng bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020 của Savills cho thấy tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các tỉnh thành phố trọng điểm hiện đều ở mức cao. Tại miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy lên đến 90% tại Hà Nội, 95% tại Bắc Ninh, 89% tại Hưng Yên và 73% ở Hải Phòng. Khu vực phía Nam ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 88% tại Thành phố Hồ Chí Minh, 99% tại Bình Dương, 94% tại Đồng Nai,…