Tin tức

Tin tức

Thị trường M&A 5 tỷ USD Chờ Đón Ngành Nào?

Thị trường M&A 5 tỷ USD Chờ Đón Ngành Nào?

Bất chấp dịch bệnh, hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam vẫn sôi động. Nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… vẫn đang nhòm ngó doanh nghiệp Việt bằng những khoản đầu tư tỷ USD. Vậy ngành nào đang có cơ hội hút vốn? 

Những thương vụ tỷ USD

Cuối tháng 4/2021, ngành ngân hàng Việt Nam dậy sóng với thương vụ Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG), một trong 3 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn của Nhật mua lại 49% vốn cổ phần tại Công ty tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) với giá 1,4 tỷ USD. Đây là thương vụ M&A lớn nhất của ngân hàng Nhật đầu tư vào một tổ chức tài chính tại Việt Nam. Thương vụ cũng cho thấy lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Việt Nam khá tiềm năng và đang được nhà đầu tư ngoại quan tâm.

Với thị trường bán lẻ, mới đây Tập đoàn Masan cũng đã “nhượng lại” 16,26% cổ phần VinCommerce cho SK South East Asia Investment - công ty con của SK Group với giá 410 triệu USD. Theo ông Woncheol Park - Giám đốc đại diện của SK South East Asia Investment, thoả thuận đầu tư của SK vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của SK vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam. SK Group từng đầu tư khoảng 470 triệu USD vào Masan Group để sở hữu khoảng 9,5% cổ phần tại tập đoàn này vào tháng 10/2018 và mua lại 6,1% cổ phần Vingroup vào tháng 5/2019.

Cùng với thương vụ này, ngay trong tháng 5/2021, công ty con của Masan Group là The CrownX đang vận hành chuỗi VinMart cũng đã nhận khoản đầu tư hơn 400 triệu từ Tập đoàn Alibaba.

Mới đây nhất, ngày 19/5/2021, Thaco Group lên tiếng mua lại 100% cổ phần Công ty E-mart Việt Nam và việc ký kết sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam sau 7 năm hoạt động. Thaco tiếp quản thương hiệu E-mart dưới hình thức nhượng quyền thương mại.

Theo khảo sát của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) vừa công bố, bất chấp dịch Covid-19, hoạt động M&A tại Việt Nam vẫn diễn ra sôi động. Bên cạnh các nhà đầu tư lớn truyền thống như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, các nhà đầu tư đến từ Thái Lan ngày càng đặt nhiều niềm tin vào thị trường Việt Nam. Trong năm 2020, PwC ước tính giá trị M&A tại Việt Nam đạt khoảng 3,5 tỷ USD và được kỳ vọng sẽ đạt 5 tỷ USD năm nay.

Ước tính của Viện nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập doanh nghiệp (CMAC), trong 20 năm qua, Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ M&A với giá trị đạt gần 50 tỷ USD, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á về giá trị giao dịch. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia năng động trong hoạt động M&A khi thu hút dòng vốn ngoài và nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường.

Thị trường tiềm năng

Cũng theo PwC, lĩnh vực công nghệ tiếp tục đà phát triển với số lượng thương vụ cao nhất trong 5 năm qua. Nhiều khoản đầu tư có xu hướng nhảy vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp đột phá cho bán lẻ và dịch như tư vấn chăm sóc sức khoẻ trực tuyến, thương mại điện tử, nền tảng nhân sự và tuyển dụng. Tuy nhiên, hầu hết các khoản đầu tư đều vào các công ty khởi nghiệp công nghệ giai đoạn đầu ở Việt Nam.

Theo phân tích của Công ty CP chứng khoán Ngân hàng đầu tư và và phát triển Việt Nam (BSC), các doanh nghiệp nhỏ chịu tác động rất lớn do dịch Covid-19, họ thiếu nguồn tài chính lẫn đầu ra sản phẩm. Vì thế, các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục tăng thị phần bằng cách mua lại những công ty vừa và nhỏ với giá hợp lý. Bên cạnh đó, trong trung và dài hạn 5 - 10 năm tới, tầng lớp trung và thượng lưu ở Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể, đáp ứng tập khách hàng mục tiêu này. Và Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu quốc tế trong trung và dài hạn.

TS. Lê Anh Tú - Cố vấn cấp cao PwC tại Việt Nam cho rằng, 5 lĩnh vực sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong năm tới là giao nhận, giáo dục, công nghệ, năng lượng tái tạo và y tế. Trong đó, quy mô thị trường giao vận dự kiến đạt 113 tỷ USD vào năm 2022, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 16,6%. Tăng trưởng này còn được hậu thuẫn bởi các hiệp định thương mại tự do, thương mại điện tử và việc các nhà sản xuất lớn như Apple, LG, Panasonic coi Việt Nam là một mắt xích để đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Ngành giáo dục được dự báo tiếp tục thu hút đầu tư nhờ sự tăng trưởng đến từ tầng lớp trung lưu cùng việc chi tiêu cho giáo dục dự kiến tăng lên. Tăng trưởng đầu tư ngành giáo còn được hậu thuẫn từ chính sách khuyến khích đối với dự án 100% sở hữu tư nhân và nước ngoài. Trong khi đó, ngành y tế thu hút đầu tư nhờ các yếu tố như tốc độ già hoá dân số với số lượng người trên 65 tuổi sẽ tăng từ 8% trong năm 2019 lên 16% vào năm 2020.

Nhận định của CMAC cho rằng, thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục trong giai đoạn 2021 - 2022, trở về mức 4,5 - 5 tỷ USD trong năm 2021 và sẽ tăng mạnh vào năm 2022 khi đạt mức 7 tỷ USD. Trong năm 2021, các lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản công nghiệp vần là tâm điểm thu hút M&A trong năm 2021. Đứng đầu vẫn là lĩnh vực tài chính ngân hàng và hiện nay, nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch chào bán cổ phần, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hoạt động M&A toàn cầu tăng mạnh từ nửa cuối năm 2020. Bất chấp Covid-19, số thương vụ M&A toàn cầu tăng 18% và tổng giá trị thương vụ tăng 94% trong nửa cuối năm 2020. Trong đó, số thương vụ thuộc lĩnh vực công nghệ tăng 34% và tổng giá trị tăng 118%, trong đó, nhóm viễn thông đạt tổng giá trị thương vụ tăng gần 300%.

Nguồn: doanhnhansaigon

Chia sẻ nội dung:
0868255888