Sáng (19.05.2023), cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã chính thức thông xe, vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâmdài hơn 49 km, khởi công tháng 9.2021 với tổng kinh phí hơn 7.600 tỉ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).
Dự án có quy mô 4 làn xe, rộng 17m; sau đó nâng đường rộng 32m, 6 làn xe, điểm đầu tại xã Diên Thọ, H.Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP.Cam Ranh. Dự án này do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư.
Toàn tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được bố trí xen kẽ 18 điểm dừng khẩn cấp, cuối tuyến có làn dừng khẩn cấp mỗi bên. Cao tốc cũng có 25 cây cầu, trong đó 10 cầu vượt ngang, mỗi cầu rộng 5 - 12m tùy vào đường kết nối.
Trong ngày đầu tiên, ô tô đi vào cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vẫn còn khá thưa thớt, nhiều tài xế vẫn còn bỡ ngỡ, chưa quen với tuyến đường mới. Tuy nhiên, ai cũng vui mừng vì có đường cao tốc sẽ di chuyển nhanh hơn, giảm thời gian và chi phí đi lại.
"Sau khi có đường cao tốc thì có nhiều thuận lợi cho người dân, thứ nhất là lưu thông hàng hóa, thứ 2 là đi lại, vừa tiết kiệm kinh tế vừa tiết kiệm nhiên liệu", ông Nguyễn Văn Minh, TP.Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, ô tô được phép chạy trên tuyến cao tốc Nha Trang - Cam lâm với tốc độ tối đa 80 km/h và tối thiểu 60 km/h.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm
Còn đại diện chủ đầu tư cho hay, để kịp tiến độ khánh thành, khoảng 1.700 kỹ sư, công nhân ngày đêm hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của dự án.
Dự án cũng được áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ xây dựng dải phân cách giữa là bê tông xi măng đổ liền khối tại hiện trường bằng máy chuyên dụng của Đức giúp bề mặt bê tông láng mịn, không có hiện tượng nứt nẻ.
Trong đó, hầm Dốc Sạn là một trong những hạng mục quan trọng nhất nhưng cũng khó thi công nhất của dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cũng đã hoàn thành.
Hầm Dốc Sạn có hai ống, tổng chiều dài 1,5 km, mỗi bên dài gần 750m, vốn đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng.
Hầm Dốc Sạn nhìn từ trên cao.
Công trình bắt đầu khởi công tháng 11.2021. Để đẩy nhanh dự án, chủ đầu tư đã bố trí các nhà thầu kinh nghiệm nhất về thi công hầm xuyên núi. Công trường hầm được bố trí 4 mũi thi công đào và gia cố hầm, hai mũi thi công gia cố mái cửa hầm. Các đơn vị tổ chức thi công ba ca bốn kíp liên tục, trung bình đào khoảng 10 m hầm mỗi ngày.
Chủ đầu tư cũng cho biết, dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm sẽ trở thành tuyến đầu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS). Hệ thống giao thông thông minh toàn diện tại cao tốc Nha Trang - Cam Lâm bao gồm cả hệ thống giám sát điều hành trên tuyến và hầm, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống thông tin liên lạc, camera giao thông…
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Nha Trang có tổng chiều dài gần 50km.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đến Long Thành - TP.HCM. Công trình góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, giảm tải cho quốc lộ 1.
Nguồn: thanhnien