Sau thương vụ M&A cuối năm 2019, KEB Hana Bank (Hàn Quốc)
chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược của BIDV.
Những thương vụ thành công
Trong năm năm qua, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng nội khá “lặng sóng”. Kể cả thương vụ sáp nhập PGBank vào HDBank dù đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Ngược lại, các thương vụ M&A giữa nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng trong nước có phần sôi động hơn.
Sau các thương vụ bán cổ phần của Techcombank, HDBank, TPBank cho các nhà đầu tư ngoại trước khi niêm yết trên sàn HOSE từ đầu năm 2018, hoạt động M&A ngân hàng thiết lập kỷ lục mới gần đây nhất là thương vụ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bán cổ phần cho cổ đông chiến lược KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với giá trị gần 20.300 tỉ đồng (tương đương 875 triệu đô la Mỹ).
Nguồn tiền từ nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không chỉ giúp các ngân hàng trong nước giải cơn khát vốn (BIDV là một ví dụ điển hình khi hệ số an toàn vốn CAR sau khi bán vốn đã đạt mức 8,77% tính đến cuối năm 2019 - đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu 8% của Basell II) mà còn mang đến kỳ vọng về sự sôi động trở lại của làn sóng các ngân hàng ngoại đầu tư vào Việt Nam thông qua hoạt động M&A.
Tuy nhiên, để có được một cổ đông chiến lược nước ngoài phù hợp là điều không hề đơn giản với mỗi ngân hàng, bởi có nhiều thương vụ kéo dài hàng năm trời mới đi đến kết quả. Gần đây nhất, thương vụ bán 15% vốn điều lệ của OCB cho Aozora Bank (AOZ - Nhật Bản) vào giữa tháng 6-2020 cũng đã phải trải qua quá trình tìm hiểu đối tác và đàm phán kéo dài hơn hai năm.
Cơ hội còn rộng mở
Việc huy động vốn ngoại để tăng tiềm lực tài chính luôn được các ngân hàng trong nước quan tâm, nhất là các ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, không những doanh nghiệp trong nước mà ngay cả tập đoàn tài chính lớn trên thế giới cũng bị tác động.
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn nguyên room ngoại hay đã gần cạn room cũng muốn có khoảng trống để tìm cơ hội sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Vì vậy, không ít ngân hàng đã “khóa” room ngoại chờ cơ hội tốt để gọi vốn.
Cụ thể, Techcombank chỉ thay đổi một chút room ngoại lên mức 22,5% để giúp tổng giám đốc người nước ngoài được mua 439.000 cổ phiếu TCB thông qua giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường chứng khoán. HDBank thì công bố nghị quyết hội đồng quản trị điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại từ 30% về mức 21,5% để thuận lợi cho kế hoạch hợp tác với các đối tác chiến lược trong thời gian tới.
Hiện ACB đã hết room ngoại còn Techcombank, VIB và VPBank đã hạ room ngoại về các mức tương ứng 22,5%; 20,5% và 15%.
Tương tự, VPBank quyết định “để dành” room cho khối ngoại khi giảm tỷ lệ sở hữu từ 22,77% về mức 15%. Kể từ khi chia tay Ngân hàng Singapore Oversea - Chinese (OCBC) vào cuối năm 2013, đến nay VPBank vẫn chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài mới.
Gần đây nhất, ngày 12-10-2020, Viet Capital Bank (BVB) đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua việc ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài theo quy định hiện hành (tỷ lệ tối đa là 30%).
Hay như tại Nam A Bank, trong kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỉ đồng lên 7.000 tỉ đồng, ngân hàng này cho biết sẽ thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Hiện room ngoại tại Nam A Bank còn nguyên 30%. Ngân hàng này cho biết đã có nhiều cuộc đàm phán với các đối tác để sớm chốt room ngoại trước khi đưa cổ phiếu đang giao dịch tại sàn UpCom lên niêm yết trên sàn HOSE trong thời gian tới.
Với ngân hàng SCB, theo kế hoạch năm 2020, ngân hàng này sẽ phát hành 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong và ngoài nước với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ từ 15.232 tỉ đồng lên 20.232 tỉ đồng. Thời gian hoàn tất phát hành trong giai đoạn 2020-2021. Lãnh đạo SCB cho biết đang trong quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược, bao gồm cả đối tác nước ngoài để huy động vốn.
Ngân hàng NCB cũng đã lên kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và được cổ đông thông qua từ năm 2017.
Theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30% vốn.
Hiện tại, nhiều ngân hàng Việt Nam đã bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, song không ít ngân hàng vẫn còn nguyên room ngoại. Đó là chưa kể tới các ngân hàng đang tái cơ cấu hay ba ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại “0 đồng”, đối tác nước ngoài có thể mua 100% vốn nếu được sự đồng ý của Chính phủ. Do vậy, cơ hội để các ngân hàng ngoại có các thương vụ M&A với ngân hàng nội trong thời gian tới là khá rộng mở.
Bên cạnh đó, theo EVFTA, giữa Việt Nam và EU có các cam kết, ưu đãi về thương mại, dịch vụ và đầu tư. Đáng chú ý, đối với dịch vụ ngân hàng, trong vòng năm năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét tạo thuận lợi, cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong hai ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam (không áp dụng với bốn ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank).
Theo đánh giá, một số ngân hàng như VIB, VPBank, Techcombank hay ACB có thể là những ứng viên tiềm năng được xem xét nới room theo đề xuất của các ngân hàng châu Âu theo EVFTA. Hiện ACB đã hết room ngoại còn Techcombank, VIB và VPBank đã hạ room ngoại về các mức tương ứng 22,5%; 20,5% và 15%.