Sáng 28-10, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Yến sào Khánh Hòa) phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương Khánh Hòa tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Cụm Công nghiệp (CCN) Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh). Dự hội nghị có các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và doanh nghiệp.
Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư
Tại hội nghị, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ký hợp đồng với 5 nhà đầu tư thứ cấp, cho thuê 18,2ha đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp. Đồng thời, trong buổi sáng cùng ngày, Công ty Yến sào Khánh Hòa cũng khởi công xây dựng Nhà ăn tập thể của CCN Sông Cầu, có tổng mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng và Nhà máy Chế biến nguyên liệu Yến sào của Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa với diện tích 25.866m2, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
Các vị lãnh đạo tỉnh tại lễ khởi công Nhà máy Chế biến nguyên liệu yến sào.
Bà Trịnh Thị Hồng Vân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho biết, CCN Sông Cầu được thiết kế dành riêng cho các ngành công nghiệp như: Chế biến thực phẩm, nông lâm sản, may mặc, sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu, công nghiệp cơ khí chế tạo. Hiện nay, giá thuê đất CCN Sông Cầu bình quân từ 9 đến 11 tỷ đồng/ha, chi phí này phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Công ty Yến sào Khánh Hòa đã đưa ra một số chính sách nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, như: Giảm giá thuê đất cho nhà đầu tư thứ cấp thuê hạ tầng với diện tích từ 2 đến 5ha; thanh toán tiền thuê đất gắn với cơ sở hạ tầng theo tiến độ 18 tháng chia thành 5 lần; miễn phí quản lý điều hành và bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật trong vòng 2 năm; thời gian sử dụng đất của dự án là 50 năm kể từ thời điểm được Nhà nước cho thuê đất...
Một góc Cụm Công nghiệp Sông Cầu.
Dù đây là CCN hình thành ở miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn, song chủ đầu tư xác định chỉ lựa chọn những doanh nghiệp hoạt động thân thiện với môi trường, có xu hướng phát triển bền vững. Đồng thời, các doanh nghiệp phải phát huy được những lợi thế của địa phương, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có. Ông Nguyễn Anh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa chia sẻ: “Trong quá trình mời gọi đầu tư, quan điểm của chúng tôi là phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ thực hiện các chính sách nhất quán, đồng hành cùng nhà đầu tư thứ cấp; luôn lắng nghe ý kiến đề xuất, kịp thời giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư thứ cấp trong quá trình hoạt động”. Cùng với đó, còn có các chính sách ưu đãi của Nhà nước và tỉnh hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và giá thuê mặt bằng.
Tạo động lực cho huyện nghèo
Dịp này, nhiều người lao động trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đến CCN Sông Cầu chờ nộp hồ sơ ứng tuyển vào các doanh nghiệp. Với họ, đây là cơ hội có việc làm, nâng cao thu nhập ngay trên quê hương. Bà Cao Thị Thoa (thị trấn Khánh Vĩnh) hồ hởi nói: “Tôi đã đi làm ở TP. Hồ Chí Minh hơn một năm. Sau đợt dịch, tôi bị mất việc. Nay nghe CCN Sông Cầu tuyển dụng lao động cho các công ty nên tôi đã chuẩn bị sẵn hồ sơ cách đây cả tuần; nếu được chọn thì tôi có thể làm việc ở gần nhà”.
Những năm qua, UBND tỉnh không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn, hỗ trợ kỹ thuật để Khánh Vĩnh phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, kinh tế của huyện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và lâm nghiệp. CCN này ra đời là tiền đề để Khánh Vĩnh chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Trước đây, cả huyện chỉ có một số cơ sở công nghiệp nhỏ. CCN Sông Cầu là CCN đầu tiên trên địa bàn. Với các nhà máy, xí nghiệp được đầu tư vào CCN, địa phương kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy cho kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương”.
Sự ra đời của CCN Sông Cầu sẽ tạo thêm cơ hội việc làm cho rất nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, CCN Sông Cầu đi vào hoạt động là cơ hội việc làm cho sinh viên, lao động của tỉnh. Chỉ riêng tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào CCN Sông Cầu đã có 10 doanh nghiệp đăng ký đầu tư trong lĩnh vực chế biến, dịch vụ, công nghiệp với nhu cầu khoảng 1.000 lao động. Bên cạnh đó, có 5 doanh nghiệp xuất khẩu lao động với nhu cầu 350 lao động.
Với yếu tố hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, chính sách hấp dẫn và nguồn lao động địa phương sẵn có, CCN Sông Cầu hứa hẹn là môi trường đầu tư lý tưởng cho các nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, đây cũng sẽ là động lực cho sự phát triển của huyện miền núi Khánh Vĩnh.
Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: CCN Sông Cầu có ý nghĩa vô cùng quan trong đối với việc phát triển kinh tế - xã hội huyện Khánh Vĩnh. Đây là một trong 12 CCN nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2025 của tỉnh. Mặc dù nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn song đây là khu vực trung tâm vùng nguyên liệu nông, lâm sản. Ở đây có hệ thống giao thông thuận lợi vì trên tuyến Quốc lộ 27C kết nối Nha Trang - Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và các tỉnh Tây Nguyên, gần cao tốc Bắc - Nam, gần cảng biển, sân bay… Vì thế, các nhà đầu tư rất thuận lợi kết nối giao thương liên vùng. UBND tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thứ cấp khi đầu tư vào CCN Sông Cầu để doanh nghiệp có thể nhanh chóng xây dựng cơ sở, sớm đưa các nhà máy vào hoạt động.
CCN Sông Cầu rộng 40,36ha; trong đó phần xây dựng các công trình rộng 28ha, được chia thành 27 lô cùng với nhiều dịch vụ tiện ích đi kèm, như: Cửa hàng xăng dầu, tổng kho, khu xử lý nước thải tập trung, nhà ăn, hội trường, văn phòng điều hành.
Nhân dịp này, Công ty Yến sào Khánh Hòa tổ chức trao tặng 5 nhà tình nghĩa cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, mỗi căn nhà trị giá 70 triệu đồng.
Nguồn: baokhanhhoa