Là lĩnh vực có hoạt động M&A sôi động nhất trong năm 2023, xét cả về số lượng và giá trị giao dịch, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang chứng minh tiềm năng tăng trưởng tại thị trường Việt Nam.
ĐIỂM SÁNG
Năm 2023 là một năm nhiều thách thức đối với kinh tế trong nước và toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng của nhiều ngành nghề. Những bất ổn kinh tế vĩ mô, các vấn đề về địa chính trị, biến động trên thị trường bất động sản và sự suy giảm của thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư, bao gồm cả hoạt động M&A.
Giữa những biến động kinh tế đó, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, thu hút sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư nước ngoài và giúp hoạt động M&A trở nên sôi động. Các thương vụ M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được xúc tiến và thực hiện năm 2023 cho thấy mức độ quan tâm của các nhà đầu tư vẫn luôn duy trì ngay cả khi điều kiện vĩ mô không thuận lợi, đồng thời thể hiện cam kết, tầm nhìn dài hạn của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực tiềm năng này tại Việt Nam.
NHẬN DIỆN LỰC ĐẨY
Chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực có hoạt động M&A sôi động nhất trong năm 2023, tính cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch, nhờ vào các yếu tố sau đây.
Một là, sự ổn định và khả năng chống chọi trước suy thoái kinh tế của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chăm sóc sức khỏe là nhu cầu thiết yếu, căn bản, không bị ảnh hưởng bởi các biến động trong nền kinh tế chung. Kể cả khi tình hình kinh tế đối mặt với nhiều thử thách, người dân vẫn cần sử dụng các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Do đó, dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được đánh ốc đánh giá là một trụ cột ổn định.
Hai là, các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi cùng sự gia tăng tầng lớp trung lưu. Yếu tố nhân khẩu học thuận lợi giúp tăng thêm sự hấp dẫn của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Với quy mô dân số 100 triệu người, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng (dự báo chiếm hơn 70% dân số vào năm 2030), nhu cầu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cơ sở y tế chất lượng ngày càng tăng cao. Sự chuyển dịch cơ cấu dân số thúc đẩy nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, làm tiền đề vững chắc cho các khoản đầu tư vào lĩnh vực này.
Ba là, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tại Việt Nam rất lớn, nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Trước đây, dịch vụ này chủ yếu do các cơ sở y tế công lập cung cấp, dẫn đến tình trạng quá tải tại các thành phố lớn, tạo áp lực không nhỏ đối với đội ngũ nhân viên y tế. Các cơ sở y tế tư nhân đã và đang nổi lên như một phương án bổ sung và hỗ trợ cho hệ thống y tế công, mang tới nhiều lựa chọn hơn cho người dân, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, số giường bệnh trên 1.000 người tại Việt Nam đạt 2,9 giường, thấp hơn mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới - WHO (5 giường/1.000 người); số lượng bác sĩ trên 1.000 người là 0,9 bác sĩ, thấp hơn mức khuyến nghị của WHO (2,5 bác sĩ/1.000 người) và thấp hơn nhiều so với các nước phát triển (3 - 4 bác sĩ/1.000 người). Khi thu nhập khả dụng tăng và nhu cầu dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng trở nên cấp thiết, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tư nhân đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư.
Bốn là, nhận thức về sức khỏe được nâng cao hơn. Điều này được thể hiện qua mức độ tăng chi tiêu bình quân đầu người hằng năm của người Việt cho hàng hóa và dịch vụ y tế, từ 90 USD vào năm 2017, lên 141 USD vào năm 2022 (theo nghiên cứu của Euromonitor). Đặc biệt, trải qua đại dịch Covid-19 cùng với việc tiếp cận nhiều hơn các thông tin về sức khỏe và lối sống lành mạnh, người dân ngày càng có xu hướng tăng chi tiêu để nâng cao chất lượng sức khỏe. Xu hướng này góp phần thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng, giúp lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ trở nên hấp dẫn hơn từ góc độ đầu tư.
Năm là, khung pháp lý được cải thiện. Luật Đầu tư (năm 2020) và Luật Doanh nghiệp (năm 2020) hướng tới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, thay đổi đáng chú ý là việc bỏ yêu cầu phải có chấp thuận M&A khi giao dịch mua bán không dẫn tới việc tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp tăng lên. Bên cạnh đó là một số thay đổi nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số, như điều chỉnh ngưỡng sở hữu cổ phần của cổ đông/nhóm cổ đông để yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông từ 10% xuống còn 5%.
Sáu là, yếu tố khan hiếm. Ở Hà Nội và trước đây ở TP.HCM, các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe trong khu vực nội thành không được mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh. Do đó, các dự án đã được cấp phép và các cơ sở đã đi vào hoạt động tại 2 thành phố lớn này luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài và thường được giao dịch với mức giá cao hơn giá trung bình trên thị trường.
DẤU ẤN NỔI BẬT
Năm 2023, thị trường Việt Nam chứng kiến nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Một trong những điểm nổi bật của hoạt động M&A trong lĩnh vực này là quy mô giao dịch tăng lên và ngày càng có nhiều thương vụ M&A quy mô lớn được thực hiện. Giá trị giao dịch trung bình của các thương vụ M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe năm 2023 đạt khoảng 100 triệu USD, tăng mạnh so với con số 65 triệu USD đã đạt được vào năm 2022. Các giao dịch lớn như thương vụ Thomson Medical Group mua lại Bệnh viện FV (381,4 triệu USD), hay thương vụ Warburg Pincus đầu tư vào Bệnh viện Xuyên Á (hệ thống bệnh viện có quy mô 6.000 giường bệnh) là những ví dụ điển hình cho xu hướng này.
Các thương vụ M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có sự tham gia của những nhà đầu tư hàng đầu khu vực và toàn cầu, như Thomson Medical Group và Raffles Medical Group (cùng có tổng tài sản trên 1 tỷ USD), Warburg Pincus (giá trị tài sản quản lý trên 84 tỷ USD), CVC Capital (giá trị tài sản quản lý 170 tỷ USD), GIC (giá trị tài sản quản lý trên 760 tỷ USD)...
Việc nhiều nhà đầu tư hàng đầu khu vực và toàn cầu, bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược và tài chính, tham gia các thương vụ M&A tại Việt Nam đã cho thấy mức độ phát triển của thị trường. Khung pháp lý được cải thiện và các yếu tố thị trường thuận lợi đã tạo lực hút mạnh đối với các tên tuổi lớn trong ngành, thúc đẩy họ thực hiện các khoản đầu tư lớn, qua đó càng chứng minh tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này tại Việt Nam.
Các giao dịch mua lại toàn bộ và mua cổ phần đa số đã trở nên phổ biến hơn, cho thấy mức độ tự tin của các nhà đầu tư đối với thị trường chăm sóc sức khỏe Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Sau nhiều năm phân tích và tìm hiểu kỹ thị trường, các nhà đầu tư đã có thể tư tin nắm quyền kiểm soát đa số doanh nghiệp, thể hiện mức độ tích hợp sâu hơn của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn cần sự hỗ trợ từ các nhà sáng lập và điều hành trong nước thông qua các hình thức hợp tác khác nhau, ví dụ thỏa thuận về khoản thanh toán bổ sung trong tương lai nếu bên bán đạt được một số mục tiêu nhất định (earn-out structure) để nhà đầu tư có đủ thời gian làm quen với cách vận hành tại thị trường Việt Nam và hiểu thêm về doanh nghiệp. Ngoài ra, nhà đầu tư còn có xu hướng mở rộng sự quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực khác tnhau của ngành chăm sóc sức khỏe, chứ không chỉ tập trung vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe hay bệnh viện như ở giai đoạn trước.
TRIỂN VỌNG VÀ XU HƯỚNG
Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được kỳ vọng tiếp tục là “điểm nóng” M&A tại thị trường Việt Nam. Các thương vụ được thực hiện trong năm 2023 là ví dụ tiêu biểu thể hiện cơ hội thoái vốn thành công cho cả nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính, từ đó càng củng cố sự tự tin của các nhà đầu tư, tạo lực hấp dẫn để thu hút thêm nhiều khoản đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực này.
Dự báo, bức tranh đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. tại Việt Nam tiếp tục duy trì sự sôi động, cơ hội đầu tư rộng mở; các đặc điểm, tính chất thương vụ và đối tượng bên mua - bán cũng đa dạng hơn.
Cấu trúc thương vụ có thể là mua thiểu số, mua đa số hoặc mua lại toàn bộ. Bên bán có thể là cổ đông sáng lập, các cổ đông tổ chức. Bên mua bao gồm các nhà đầu tư Việt Nam, khu vực, hoặc toàn cầu - cả nhà đầu tư chiến lược và quỹ đầu tư tư nhân. Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư rất đa dạng.
Sự đa dạng về cấu trúc giao dịch và số lượng cơ hội đầu tư đáng kể sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của các hoạt động M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển của thị trường, có một số xu hướng đáng chú ý.
Thứ nhất, nhu cầu đối với việc mở rộng hệ thống chăm sóc sức khỏe và các cơ hội hợp nhất thị trường. Sau khi gia nhập thị trường thành công thông qua các thương vụ mua lại tài sản như là bàn đạp để phát triển, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có nguồn lực tài chính mạnh sẽ tiếp tục mở rộng, xây dựng nền tảng chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc. Chiến lược này có thể được thực hiện thông qua việc xây dựng các dự án mới hoặc mua lại doanh nghiệp khác. Nhìn chung, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ có được lợi ích từ quy mô và sự chuyển giao kinh nghiệm, do đó, việc xây dựng và phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe sẽ là chiến lược dài hạn mà nhiều nhà đầu tư theo đuổi.
Thứ hai, định giá dựa trên giá trị chiến lược, yếu tố khan hiếm, phân khúc và tiềm năng tăng trưởng. Các giao dịch M&A trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng tới kỳ vọng về giá trị doanh nghiệp cho các giao dịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, không có một công thức rập khuôn để xác định giá trị và mỗi doanh nghiệp sẽ được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt là giá trị chiến lược đối với nhà đầu tư, yếu tố khan hiếm, phân khúc (bình dân, trung cấp, cao cấp) và tiềm năng tăng trưởng.
Thứ ba, xem xét đầu tư vào các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mới. Mặc dù thị trường M&A tại Việt Nam còn tương đối non trẻ, song nhà đầu tư đang dần mở rộng phạm vi đầu tư, không giới hạn ở các lĩnh vực truyền thống. Giờ đây, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm tới các lĩnh vực như sản xuất và phân phối thiết bị y tế, xét nghiệm và chẩn đoán, hàng tiêu dùng về chăm sóc sức khỏe cùng các lĩnh vực bổ trợ khác, như tư vấn trực tuyến, phân phối dược phẩm trực tuyến, các dịch vụ được cung cấp bởi bên thứ ba...
MỘT SỐ THƯƠNG VỤ M&A ĐÁNG CHÚ Ý TRONG LĨNH VỰC CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TẠI VIỆT NAM NĂM 2022 - 2023 |
Thời gian | Công ty mục tiêu | Lĩnh vực | Bên mua | Phân loại nhà đầu tư | Loại thương vụ | Giá trị (triệu USD) |
Tháng 10/2023 | Bệnh viện quốc tế Mỹ | Bệnh viện | Raffles Med. Group | Chiến lược | Đa số | 45.6 |
Tháng 03/2022 | Jio Helth Polyclinic | Công nghệ và sức khoẻ, phòng khám | Heritas Capital và các nhà đầu tư khác | Tài chính | Huy động vốn | 20 |
Tháng 09/2023 | Parkway Dental | Phòng khám nha khoa | 24HMoney | Chiến lược | Thiểu số | N/A |
Tháng 09/2023 | Bệnh viện Xuyên Á | Bệnh viện | Warburg Pincus | Tài chính | Thiểu số | N/A |
Tháng 09/2023 | Gene Solutions | Chẩn đoán | Mekong Capital | Tài chính | Huy động vốn | 21 |
Tháng 08/2023 | Trung Sơn Pharma | Bán lẻ thuốc | Dongwha Pharm | Chiến lược | Đa số | 30 |
Tháng 08/2023 | Medical Saigon Group | Bệnh viện mắt | KRR | Tài chính | Đa số | N/A |
Tháng 08/2023 | Bệnh viện Vạn Phúc Sài Gòn | Bệnh viện | Tâm trí Medical | Chiến lược | Mua lại toàn bộ | N/A |
Tháng 07/2023 | Bệnh viện FV | Bệnh viện | Thomson Medical Group | Chiến lược | Mua lại toàn bộ | 381,4 |
Tháng 07/2023 | Bệnh viện Bình An Quảng Nam | Bệnh viện | Tâm trí Medical | Chiến lược | Mua lại toàn bộ | N/A |
Tháng 05/2023 | Nhi Đồng 315 | Phòng khám nhi | GIC | Tài chính | Thiểu số | 30 |
Tháng 01/2023 | Merap Corporation | Dược phẩm | Lion Corporation | Chiến lược | Thiểu số | N/A |
Tháng 09/2022 | Bệnh viện quốc tế Phương Câu | Bệnh viện | CVC Capital | Tài chính | Đa số | 116 |
Tháng 03/2022 | USM Healthcare | Vật tư y tế | EastBridge Partner | Tài chính | Thiểu số | 30 |
Tháng 01/2023 | Con Cưng | Hàng tiêu dùng về chăm sóc sức khoẻ | Quadria Capital | Tài chính | Thiểu số | 90 |
Nguồn: Tổng hợp